Nhằm đổi mới phương pháp dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông, năm 2022, Bộ GD&ĐT yêu cầu, đề kiểm tra cuối kì, cuối năm học tránh dùng các văn bản trong SGK làm ngữ liệu nhằm khắc phục tình trạng học sinh học thuộc hoặc sao chép tài liệu có sẵn.
Cô Phạm Thái Lê, giáo viên bộ môn Ngữ văn, Trường Marie - Curie Hà Nội, chia sẻ quan điểm ủng hộ chương trình GDPT mới, vì phương pháp mới sẽ làm thay đổi học sinh theo hướng tích cực. Nếu như học theo chương trình cũ, học sinh vẫn quen kiểu đọc chép, học thuộc văn mẫu, giáo viên mất rất nhiều thời gian rèn giũa thì ở chương trình mới, mục tiêu là các em có năng lực đọc hiểu, có kỹ năng viết.
Về quy định không dùng ngữ liệu trong SGK để kiểm tra, thi cử, cô Lê nói rằng, có nhiều vấn đề nảy sinh trong thực tế. Cách hiểu và chấm bài của giáo viên thế nào để không có sự vênh lệch với quan điểm, cách nhìn của trò? “Thầy cô có trình độ ĐH hoặc thạc sĩ chọn một đoạn trích, tác phẩm mới tinh để ra đề thi cho học sinh, thời gian làm bài 90 phút chắc hẳn cũng phải suy nghĩ, tìm tòi mất rất nhiều thời gian. Trong khi học sinh chỉ có 45-90 phút cho việc tiếp cận và viết trọn vẹn một bài. Đòi hỏi học sinh phổ thông trong khoảng thời gian thi làm đủ các ý như đáp án của người ra đề là bất công, là phi lí. Chưa kể mỗi một người sẽ cảm về tác phẩm khác nhau. Vì vậy không thể chỉ có một đáp án đúng. Hơn nữa, việc phân tích một tác phẩm văn học không phải/ không nên là mục tiêu chính của việc dạy và học văn”, cô Lê nói.
Theo cô Lê, dạy học sinh Ngữ văn nhằm giúp các em có năng lực tư duy và biết cách sử dụng ngôn ngữ để có khả năng cảm nhận, viết đúng, viết hay trong các lĩnh vực khác, chứ mục tiêu dạy học Văn không chỉ nhằm phân tích tác phẩm văn học.
Cô Đỗ Bích Hạnh, giáo viên lớp 6, môn Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Công Trứ, quận Ba Đình (Hà Nội), chia sẻ, khi học sinh từ tiểu học lên bậc THCS học chương trình, SGK mới, nhiều em vẫn trông chờ giáo viên chữa bài để học thuộc, không thể thoát ly văn mẫu. Giai đoạn đầu, đọc bài cả lớp đều có dạng câu: “Em rất yêu thích tác phẩm của nhà văn...” hay chung một kiểu mở bài quen thuộc, cách dùng từ ngô nghê. Bài kiểm tra học kỳ I năm học 2023-2024 vừa qua, nhiều học sinh gặp khó khăn, loay hoay vì phương pháp học, kiểm tra mới.
Ở góc độ quản lý trường học, cô Bùi Thuỳ Linh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội), hi vọng trong những năm tới, lứa học sinh được học chương trình mới từ tiểu học, THCS lên THPT có kỹ năng, phương pháp học thuận lợi hơn. Thực tế, qua các kỳ kiểm tra, đánh giá đối với bộ môn, cô trò đang loay hoay, kêu khó. Trong đó, với ngữ liệu mới, thầy cô phải mất rất nhiều thời gian, công sức tìm hiểu, xây dựng đáp án và khi chấm thi cũng phải có quan điểm “mở” hết sức, gạn đục khơi trong, đón nhận sự sáng tạo để chấm điểm cho học sinh.
Cách nào hạn chế vênh, lệch?
Cô Đỗ Bích Hạnh cho rằng, để không có sự vênh lệch quá lớn giữa người chấm và người học, không có cách nào khác ngoài dạy kỹ năng để học sinh có thể áp dụng cho tất cả các dạng bài. Tuy nhiên, giáo viên không mở quá xa mà sử dụng ngữ liệu theo từng dạng chủ đề như: tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước…, tránh gây bất ngờ, gây sốc cho học sinh. Trước khi chấm bài, thầy cô trong tổ chuyên môn phải thảo luận, xây dựng đáp án, ba - rem điểm, trong đó tôn trọng sự sáng tạo của học sinh. Có những bài, học sinh có góc nhìn, quan điểm khác biệt, thầy cô phải đưa ra chấm chung. Tuy nhiên, mỗi trường học có thể có cách làm khác nhau, có nơi giáo viên thừa nhận, bài kiểm tra trên lớp phụ thuộc quan điểm của giáo viên đứng lớp rất nhiều. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình học Ngữ văn của học sinh.
“Bộ GD&ĐT cần có chỉ đạo, quản lí về chuyên môn với các kì thi khác nhau ở bậc phổ thông. Bộ không nên “ôm” tất cả các kì thi, nhưng không có nghĩa là buông quản lí nhà nước về chuyên môn và chất lượng dạy học. Những kì thi từ học sinh giỏi các khối lớp đến thi vào lớp 10 của các địa phương cần phân cấp, nhưng về chuyên môn không thể mỗi địa phương ra đề mỗi kiểu và yêu cầu rất khác nhau, bất chấp chuẩn chương trình, thậm chí không liên quan gì đến chương trình, người ra đề thích gì ra nấy; nhân danh ra đề cho học sinh giỏi và đề mở để thả sức bay bổng, thoát li đến mù mịt... Nhiều đề thi lạ đến mức khó hiểu, đánh đố học sinh, để lại dư âm, dư luận không tốt”.
PGS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình GDPT mới Bộ môn Ngữ văn
Cô Phạm Thái Lê cho rằng, đổi mới kiểm tra, thi cử đòi hỏi người chấm và xây dựng đáp án, biểu điểm phải hình dung được hết cách giải quyết của học sinh thay vì áp quan điểm người lớn vào bài và yêu cầu các em đạt được. Để làm được điều này, cần có sự đồng bộ trong quan điểm từ chỉ đạo đến triển khai, tránh có sự vênh lệch quá lớn, nhất là đối với các kỳ thi quan trọng.
Cô Lê đề xuất, đối với các kỳ thi quan trọng, cần thay đổi cấu trúc đề, cơ cấu điểm trong bài thi. Trong đó, về cấu trúc đề, phần nghị luận xã hội chiếm ít nhất 5 điểm. Phần nghị luận văn học nhiều nhất 5 điểm, trong đó điểm đọc hiểu ít hơn (chỉ khoảng 2 điểm) và bài viết nhiều hơn (khoảng 3 điểm). Về cách chấm bài, với bài nghị luận văn học, nếu đáp án có 5 ý, học sinh làm được 2 ý thì chấm điểm tối đa (của quỹ điểm nội dung câu đó). Cô nhấn mạnh việc không được đòi hỏi trò làm đủ ý của thầy mới cho điểm tối đa.
“Phần viết của cả hai dạng bài, cần chú trọng chấm về cách dùng từ ngữ, cách đặt câu, cách lập luận, cách tổ chức văn bản và sắp xếp ý. Tức là tập trung đánh giá năng lực biểu đạt, cái đích của dạy và học Ngữ văn trong nhà trường. Áp dụng 2 điều trên vào việc ra đề, chấm thi thì mục tiêu của chương trình 2018 mới thực sự hiệu quả”, cô Lê nói.