Ban đầu, Bộ luật Lao động được đưa ra bàn thảo sửa đổi với mục tiêu chính để kịp thời có cơ sở pháp lý theo các điều kiện của TPP, trong đó có việc cho phép người lao động (NLĐ) được hình thành các nghiệp đoàn, các tổ chức đại diện cho mình tồn tại độc lập với hệ thống Công đoàn hiện nay. Nay, với việc Mỹ rút khỏi hiệp định này, tương lai của TPP cũng trở nên mong manh. Nhưng việc sửa đổi Bộ luật Lao động vẫn được xúc tiến, trong đó quan điểm về việc cho phép NLĐ hình thành các nghiệp đoàn vẫn được cơ quan soạn thảo bảo lưu.
Cụ thể, theo Điều 149, Dự thảo lần 2 Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến, Nhà nước cho phép NLĐ lựa chọn tham gia công đoàn cơ sở, hoặc tổ chức khác (các nghiệp đoàn). Theo đó, công đoàn cơ sở (hoạt động theo Luật Công đoàn) và nghiệp đoàn bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. NLĐ có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động trong các nghiệp đoàn. Các nghiệp đoàn có thể gia nhập Tổng Liên đoàn lao động hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Quá trình soạn thảo dự luật sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, có 2 luồng ý kiến về tổ chức đại diện cho NLĐ. Trong đó, có luồng ý kiến cho rằng, Bộ luật Lao động sửa đổi lần này cần bổ sung các quy định về quyền của NLĐ thành lập tổ chức đại diện cho mình nằm ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. “Nội dung này thực chất là nội dung sửa đổi chính, quan trọng nhất của việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động lần này”, Bộ LĐ-TB&XH lý giải. Tuy vậy, vẫn có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc thêm.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, tổ soạn thảo đề xuất cho phép hình thành các nghiệp đoàn (ngoài tổ chức công đoàn), dù Hiệp định TPP có hay không. Điều này phù hợp với trình độ phát triển của đất nước và thực hiện tiến trình hội nhập của Việt Nam. Hiện Việt Nam là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Bên cạnh đó, cũng theo các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, yêu cầu Việt Nam có nghĩa vụ tôn trọng, thực hiện các nguyên tắc và quyền cơ bản của NLĐ. Tuy vậy, Bộ luật Lao động 2012 còn một số nội dung chưa tương thích với công ước của ILO, tập trung chủ yếu vào các quyền tự do liên kết của NLĐ.
Bộ LĐ-TB&XH nghiêng về phương án cho phép NLĐ hình thành các nghiệp đoàn hoạt động ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động.