Tham khảo đề thi năm ngoái
Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên Lịch sử ở TP.HCM cho rằng, học sinh năm nay ôn thi môn Lịch sử, đầu tiên các em cần nắm vững kiến thức lớp 12 trước. Sau đó, có những phần liên quan đến kiến thức 11 thì nên xem lại và lồng vào để thấy được bức tranh toàn cảnh lịch sử.
“Do lớp 11 là phần lịch sử Thế giới cận đại, hiện đại và dừng lại ở năm 1945. Trong khi lịch sử Việt Nam lại bắt đầu từ 1919 đến 1975. Nên có thể xem đây là việc đan lồng kiến thức khá phù hợp cho phần này”- cô Thảo nhấn mạnh.
Cũng theo cô Thảo, thêm vào đó, lịch sử Việt Nam là bộ phận của lịch sử thế giới. Nên giữa hai phần có mối liên hệ khá chặt chẽ với nhau. Phần lịch sử lớp 11 ở Phần Việt Nam sẽ là tiền đề cho phần Việt Nam tiếp theo, nên các bạn xem lại và bổ sung cho bản thân.
Vậy nên ôn luyện thế nào cho hiệu quả?, cô Thảo cho rằng, vì kiến thức rất nhiều và nặng nên học sinh cần chú ý những phần giảm tải của Bộ GD&ĐT (đọc và không phải nắm kiến thức). Có thể sẽ giảm một lượng kiến thức.
Giáo viên này cũng cho rằng, đến nay Bộ GD&ĐT vẫn chưa ban hành Hướng dẫn nội dung ôn thi nên tất cả cũng đang chờ thông tin, nội dung cụ thể.
“Điều khó khăn nhất trong năm nay là có thêm kiến thức 11. Biên độ đề thi sẽ rộng hơn. Nên học sinh và giáo viên cũng vất vả hơn. Nhưng đối với việc dạy và học thi Trắc nghiệm: Vấn đề quan trọng nhất là hiểu được nội dung kiến thức. Nắm vững kiến thức từ sách giáo khoa và biết vận dụng kiến thức”- cô Thảo nhấn mạnh.
Cô Thảo cho biết, từ năm ngoái theo tập huấn từ Bộ đã hạn chế những phần diễn biến, nhưng câu hỏi cụ thể về thời gian, sự kiện mà chú trọng mức độ biết, hiểu, vận dụng để tìm ra đáp án. Học sinh cố gắng tập trung nghe giáo viên giảng để hiểu kiến thức. Nên trao đổi và đặt các câu hỏi thắc mắc và tìm cách giải quyết với giáo viên hay với bạn bè. Thi trắc nghiệm không nên học thuộc vì không thể học hết tất cả mọi thứ mà phải hiểu.
“Đề thi minh họa mình nghĩ năm ngoái đã công bố và format không thay đổi. Nên giáo viên- học sinh cứ bám theo format ấy”- vị giáo viên này nhận định.
Cô Thảo cũng lưu ý, các câu hỏi vận dụng thường hay tập trung những bài ôn tập chương và tổng kết. Đây là những câu rất khó đạt được điểm.
Cần biết phân bổ điểm cho lớp 11 là bao nhiêu %?
Theo Thầy Nguyễn Cao Cường, một giáo viên dạy Toán của Hà Nội cho rằng, đây là năm thứ 2 triển khai thi môn Toán theo hình thức trắc nghiệm và theo lộ trình là có kiến thức lớp 11.
“Vậy thi những nội dung nào? Phân bổ điểm cho lớp 11 là bao nhiêu? 30% hay 25% hay thấp hơn? Cao hơn? Bên cạnh đó, số câu vận dụng cao cho lớp 11 là bao nhiêu câu? Giáo viên và học sinh rất quan tâm đến điều này?”- thầy Cường nhấn mạnh.
Thầy Cường cũng cho rằng, nếu Bộ không công bố đề thi minh họa như mọi năm thì cũng nên có sớm hướng dẫn ôn tập để giáo viên dạy học và thiết kế các đề ôn tập phù hợp với yêu cầu đề thi.
“Năm nay học sinh sẽ học nặng hơn năm ngoái vì vừa phải học chắc kiến thức 12 ôn luyện thành thạo và phải ôn lại kiến thức lớp 11. Vì thế, mong Bộ sớm công bố hướng dẫn cho học sinh biết”- Thầy Cường đề xuất.