Hai mặt của “vốn mồi” FDI và bẫy thu nhập trung bình
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, kinh tế Việt Nam có mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, thâm dụng lao động, tăng trưởng vẫn phải nhờ vào ngoại lực, năng suất lao động thấp... Đặc biệt, sự phụ thuộc quá lớn vào khu vực kinh tế đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), một trong những nguy cơ làm đất nước rơi vào trạng thái bẫy thu nhập trung bình, là vấn đề được nhắc nhiều liên quan đến phát triển của Việt Nam trong các năm qua.
Ông Thịnh cũng cho rằng, hiện tại khu vực FDI ở Việt Nam chưa đảm nhiệm vai trò trung tâm, đầu tàu về khoa học công nghệ và sức lan tỏa đối với cộng đồng doanh nghiệp nội địa của Việt Nam. Đa số doanh nghiệp FDI chủ yếu nhập khẩu linh phụ kiện, sản xuất để bán hàng cho Việt Nam và xuất khẩu, tận dụng lợi thế nào đó của Việt Nam trong nhất thời như lao động giá rẻ. Thậm chí, có doanh nghiệp FDI xả thải ra môi trường gây ô nhiễm, gây ra sự cạnh tranh không công bằng, sòng phẳng bằng hình thức chuyển giá, trốn thuế. Chính sách Việt Nam áp dụng cho doanh nghiệp FDI quá nhiều ưu đãi, trong khi họ kết nối với các doanh nghiệp trong nước rất kém, không chuyển giao công nghệ, chỉ đến tận dụng nhân công rẻ và môi trường rẻ. Nếu cứ mê mải với FDI, thế hệ sau ở Việt Nam sẽ phải trả giá.
“Điều đáng nói, trước nguy cơ sập bẫy thu nhập trung bình, cái khó của Việt Nam từ người lao động đến chủ doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước dường như thiếu động lực để thoát bẫy. Khi muốn thoát bẫy, trước hết con người phải tự nhận thức được vấn đề, nhưng ở Việt Nam, vì đã có thu nhập đến mức nào đó có thể chấp nhận được nên người lao động cứ đủng đỉnh”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, nếu doanh nghiệp Việt Nam không có cái nhìn tổng thể để thấy rằng phải nhập dây chuyền tốt hơn, phải liên kết với doanh nghiệp khác để chuyên môn hóa, tạo ra chuỗi giá trị sản xuất, thì sẽ cứ luẩn quẩn không vượt lên được. Cơ quan quản lý nhà nước nếu tạm yên tâm với cái mình đang có, không bị sức ép sống chết phải tăng trưởng, thì chính cơ quan quản lý cũng quên mất việc làm thế nào để tạo động lực cho cá nhân người lao động, doanh nghiệp cạnh tranh công bằng, bình đẳng và sòng phẳng để vươn lên.
Giải bài toán năng suất lao động
Điểm mấu chốt để thoát bẫy thu nhập trung bình, theo PGS TS Đinh Trọng Thịnh, Việt Nam phải nâng cao được năng suất lao động, đồng thời phải có sự liên kết giữa các khâu với nhau.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, ở Việt Nam đang tồn tại tình trạng sản xuất theo ý thích chủ quan, thiếu sự liên kết giữa khâu sản xuất, chế biến với thị trường. Cách thức của Việt Nam là cách thức của người làm nông nghiệp, cái gì cũng tự lo, tự làm, nên năng suất thấp. Cần phải có công nghệ cao, kỹ thuật mới, đáp ứng được các hoạt động sản xuất kinh doanh mang tính chất chuyên môn hóa thực sự.
“Nếu cứ thực sự như hiện nay thì việc mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình là đương nhiên và khó có thể bước qua được. Một khi rơi vào bẫy thu nhập trung bình, nền kinh tế Việt Nam sẽ bị tụt hậu, mãi là người đi sau nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0”.