Đũa ăn dùng một lần là sản phẩm tiện lợi và được nhiều gia đình sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay đũa ăn dùng một lần không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán “nhan nhản”. Với mức giá rẻ, nhiều quán ăn vỉa hè đã sử dụng sản phẩm đũa ăn dùng một lần không nhãn mác, hạn sử dụng cũng như tên cơ sở sản xuất.
Thậm chí, để tiết kiệm, nhiều quán ăn vỉa hè còn tái sử dụng đũa ăn dùng một lần. Hơn hết, theo khảo sát của phóng viên Chất lượng Việt Nam online, nhiều quán ăn vỉa hè vẫn “vô tư” sử dụng đũa ăn dùng một lần dù đã “mốc xanh, mốc đỏ”. Và chính người tiêu dùng, những người sử dụng đũa ăn dùng một lần mặc dù đã được khuyến cáo nhưng vẫn “nhắm mắt cho qua” và sử dụng đũa mốc gắp thực phẩm từ những quán ăn này. Họ không hay biết rằng, đây chính là mầm mống, nguyên nhân của nhiều căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng trong đó có ung thư.
Tại chợ Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội), nhiều hàng, quán bán bún, các loại bánh rán hay đồ ăn nhanh vỉa hè trong hộp đũa để khách hàng sử dụng trực tiếp gắp thức ăn “nhan nhản” những đôi đũa dùng một lần “mốc xanh, mốc đỏ” mà người bán hàng vẫn thản nhiên “làm ngơ” và không hề bận tâm đến điều này. Trong khi đó, nhiều người dùng vẫn vô tư ngồi ăn với những đôi đũa như thế.
Khi được hỏi về việc đến bao giờ sẽ bỏ những đôi đũa dùng một lần này đi, chị H. chủ một quán hàng bán các loại bánh rán cho biết, do chị bận quá mà chưa có thời gian đi mua đũa mới để thay những đôi đũa mốc này.
“Bận quá, nên tôi chưa đi mua thay vào đó được. Với lại, đũa mốc chứng tỏ là không có hóa chất tẩy mốc, nấm và cũng giống bánh chưng ngày Tết thôi thời tiết nồm ẩm nên mốc có sao đâu. Mọi người có thể lấy giấy ăn lau qua đi là được. Tôi nghĩ điều này bình thường”, chị H. nói.
Chị Nguyễn Thị Mai, một người mua hàng tại đây cho rằng, đến đũa ở nhà còn bị mốc huống chi là đũa ngoài hàng được làm bằng tre. Hơn nữa, đũa mốc là do thời tiết, đến khi trời nắng thì sẽ hết mốc thôi. Thời tiết nồm ẩm sau Tết thì làm sao tránh được việc mốc trên đũa.
“Tôi thấy, đũa mốc cũng là chuyện bình thường, với lại tôi cũng thi thoảng mới đi ăn vặt, mỗi tuần một hai lần ra ăn một hai chiếc bánh thì cũng không phải là sử dụng thường xuyên. Hơn nữa, đũa cũng chỉ bị mốc mùa này thôi, còn khi trời hửng nắng, hanh khô thì đũa lại hết mốc ngay”, chị Mai nói.
Cũng giống như chị Mai, việc làm ngơ và không bận tâm nhiều đến những chiếc đũa mốc là thái độ chung của nhiều người khi sử dụng đồ ăn vỉa hè.
Tại một quán bún đậu mắm tôm khu chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy – Hà Nội), đây là nơi có khá nhiều người là dân công sở, văn phòng tại các công ty, công sở lân cận thường xuyên đến ăn trưa. Và không chỉ sử dụng những chiếc đũa mốc, tại đây, những hộp đũa cũng “mốc xanh, mốc đỏ” và có những vệt đen của bụi bẩn đóng cặn. Thế nhưng, dường như không bận đến những vấn đề trên, nhiều người vẫn vô tư ăn uống mà không nghĩ rằng, đây là sẽ là nguyên nhân, mầm mống của nhiều loại bệnh nhất là bệnh ung thư.
Và khi được hỏi về việc những chiếc đũa mốc tại sao vẫn được sử dụng cho khách hàng thì chị Thanh Huyền (chủ của quán bún đậu) lại đổ lỗi cho thời tiết và lý giải rằng, mùa này thì khó có thể bảo quản được những chiếc đũa tránh khỏi hiện tượng mốc. Và thế là, những chiếc đũa này vẫn vô tư được được người dùng sử dụng để gắp đồ ăn trong bữa trưa mỗi ngày.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong tình trạng ẩm ướt, những loại đũa làm từ các chất liệu gỗ có khả năng trở thành môi trường sinh trưởng cho nấm aspergillus flavus - một trong những loại nấm có chứa độc tố gây ung thư. Không những vậy, đũa mốc nghiêm trọng còn sinh ra aflatoxin – loại chất độc cực nguy hiểm.
Theo đó, độc tố vi nấm aflatoxin là một chất gây ung thư với độc tính mạnh gấp 68 lần thạch tín, gấp 10 lần kali xyanua và mang tính phá hoại cực mạnh đối với các tổ chức tế bào gan.
Chỉ cần hấp thu quá 1mg aflatoxin, nguy cơ mắc ung thư gan sẽ ở mức cực kỳ cao. Với một người bình thường có cân nặng khoảng 70kg, nếu hấp thu quá 20mg aflatoxin có thể dẫn tới tử vong.
Hiện nay, nhiều người dùng có thói quen dùng đũa dùng một lần hoặc đũa gỗ trong nhiều năm, mốc thì rửa đi tráng qua nước nóng rồi dùng tiếp. Hoặc cũng có những người mua đũa mới nhưng để lâu ngày bị mốc, vì tâm lý "tiếc của" nên đem ra rửa sạch, phơi khô rồi tiếp tục sử dụng. Cũng có không ít người cho rằng dùng nước sôi bình thường (100 độ C) là có thể loại bỏ được độc tố trên đũa.
Tuy nhiên, các chất gây ung thư như aspergillus flavus hay aflatoxin đều có khả năng chịu nhiệt rất tốt và khó có thể tiêu trừ. Ví dụ tiêu biểu là vi nấm Aflatoxin có khả năng chịu nhiệt lên đến 280 độ C.
Trong khi đó, kết quả của một khảo sát tại Trung Quốc đã cho thấy, cứ 20 người thì chỉ có 2 người có thói quen thay đũa 6 tháng/lần. Từ thực trạng trên, chuyên gia khuyến cáo các gia đình nên luộc đũa nửa tiếng trong nước sôi mỗi tuần một lần, sau đó phơi thật khô mới tiếp tục sử dụng. Việc làm này có tác dụng tốt trong việc loại bỏ, hạn chế sự sinh sôi của độc tố, vi nấm – đó là với đũa ăn. Riêng với đũa dùng một lần thì chỉ nên mua các sản phẩm uy tín, có hạn sử dụng và nguồn gốc rõ ràng và chỉ dùng duy nhất một lần.