“Cứu người là chuyện bình thường”
Chúng tôi gặp ông Mơng sau hơn 10 ngày lũ tràn qua Sa Ná. Những ngày qua, đồng bào khắp nơi hướng về Sa Ná đã làm cho dân bản vơi bớt phần nào những mất mát, đau thương. Với ông Mơng, việc cứu người khi gặp nguy là chuyện hết sức bình thường nên ông không đem chuyện này kể với ai mà tập trung tìm nơi ở tạm cho gia đình mình và chia sẻ khó khăn với những hộ có người thân bị chết, mất tích...
Vẫn chưa hết kinh hoàng sau cơn lũ, ông Mơng kể: Khoảng 7h ngày hôm đó, do trời mưa từ hôm trước, nước đã ngập lên nhà ở các hộ dân khu vực phía dưới bản Sa Ná. Tôi đã đưa Vi Thị Sống (SN 1990) cùng 2 người con của chị Sống lên bờ để tránh lũ. Sau đó nước lũ rút dần, có nhiều người đi tránh trú trở về để dọn dẹp nhà cửa. Tuy nhiên, chỉ khoảng 15 phút sau khi nước rút thì bất ngờ bùn, cây cối, gỗ cùng nước ùn ùn đổ về chính khu dân bản vừa bị ngập.
Ông Mơng có 4 người con đều đã lập gia đình, ở riêng. Ở nhà, chỉ có ông và vợ là bà Hà Thị Thận (SN 1970). Lúc này bà Thận vẫn đang tránh lũ, nên khi trận lũ thứ 2 tràn về, mình ông Mơng bị cuốn trôi cùng với ngôi nhà của mình. Khi bị trôi chừng khoảng 20 mét, ông Mơng bám được vào hàng rào nhà của ông Lương Văn Uốn rồi trườn chạy lên bờ. Lúc này ông quan sát thấy nhiều người đang chới với, bám trên các thanh gỗ, mái nhà nổi trên mặt nước. Nước ngập ngang người, ông lập tức di chuyển 2 lần xuống dòng nước để kéo, dìu đưa được 5 người vào bờ gồm Lương Thị Chi (10 tuổi), Lương Văn Bò (5 tuổi), Lương Thu Thủy (6 tuổi), Lương Văn Long (6 tuổi) và Vi Thị Nghiền.
Ông Lương Văn Mơng kể lại việc đưa nhiều người giữa dòng nước lũ lên bờ. Ảnh: Hoàng Lam
Bị thương ở chân vẫn nỗ lực cứu người
Do tai nạn lao động trước đây nên chân và vai ông Mơng bị thương khiến cho việc đi lại hàng ngày của ông gặp nhiều khó khăn. Ngoài việc chân đi khập khiễng, thì sức khỏe của ông cũng không được tốt, thường xuyên gặp bệnh đau đầu, chóng mặt, đau khớp xương vai...
Khi được hỏi vì sao không biết bơi cùng với việc chân đi khập khiễng, sức khỏe không được tốt mà ông vẫn xuống dòng lũ đang lên nhanh để cứu người, ông Mơng nói: Cảnh tượng lúc đấy hoảng loạn lắm. Chính tôi cũng là người đang hoảng loạn và sợ hãi. Sau đó, tôi cố gắng bình tĩnh lại, nhanh chóng di chuyển ra cách bờ khoảng 30 mét, kéo các vật dụng mà những người đang bám vào, dìu lên bờ. Ngoài ra, lúc này, nước lũ đang rất mạnh nhưng lại chưa ngập người nên sau khi đưa được người này lên bờ, tôi tiếp tục bám các vật dụng dìu, kéo những người khác lên.
Trong đợt lũ về lần 2, ngoài cứu 5 người trên, ông Mơng và trưởng bản Sa Ná là ông Nguyễn Văn Phương cũng đã đưa được bà Lữ Thị Thượng (là chị dâu ông Mơng) bị mắc kẹt trên nóc nhà vệ sinh vào bờ. Bà Thượng là vợ của ông Lương Văn Chon (người được cứu sống khi mắc kẹt trên ngọn cây giữa dòng lũ gần 6h đồng hồ).
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Văn Ðạt, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết: Với hành động cứu nhiều người của ông Mơng, chính quyền địa phương đã có báo cáo để cơ quan chức năng xem xét, khen thưởng. Ông Mơng cũng là hộ dân bị nước lũ cuốn trôi toàn bộ nhà và tài sản. Hiện tại gia đình ông Mơng vẫn ở tạm nhà của người thân. Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đang tiếp tục tìm kiếm người mất tích, tập trung xây dựng nhà ở khu tái định cư cho các hộ bị mất nhà, hư hỏng do mưa lũ...
“Nguyên nhân khiến xuất hiện lũ lớn gây thiệt hại về người và tài sản tại Sa Ná bước đầu được cơ quan chức năng xác định là do tại vị trí thượng nguồn (cách bản Sa Ná chừng 15 km), những trận mưa lũ trước đó đẩy đất đá, cây cối tạo thành một bờ đập, trữ một khối lượng nước. Trong đợt mưa lũ ngày 3/8, bờ đập trên bị bục tạo thành trận lũ bùn đất, cây cối quét qua Sa Ná”- ông Vũ Văn Ðạt nói.
Không ai nghĩ đến việc nước vừa rút xong thì lũ bùn, cây cối lại đổ về ngay sau đó ít phút, nên những người tránh lũ đã vội về nhà dọn dẹp. Nhiều người trong số họ đã thiệt mạng. Thực tế trận lũ ngày 3/8 đã cuốn trôi hơn 20 ngôi nhà, 12 người ở bản Sa Ná chết, mất tích. Tổng số người chết, mất tích của cả tỉnh Thanh Hóa là 15 người. Ước tính thiệt hại về tài sản là hơn 600 tỷ đồng.