'Khơi nguồn tiềm năng con trẻ' - Cơ hội gần con trong những ngày đại dịch

Sinh con ra, bậc cha mẹ nào cũng muốn con mình hạnh phúc, giỏi giang, thành đạt… và có được tất cả những thứ đẹp đẽ nhất của cuộc sống. Nhưng tựu trung lại, chẳng phải cùng đích của ước mơ đó là mong con mình có một cuộc đời đáng sống hay sao? Vậy chúng ta đã biết cách thực hiện ước mơ đó chưa, hay vẫn đang đi lạc giữa mê cung trăn trở và chiến đấu mỏi mệt để giành về cho con những điều mình cho là tốt nhất?

Cuốn sách do giáo sư Nobuyoshi Hirai- Người đã dành tâm huyết cả cuộc đời cho trẻ em và nền giáo dục Nhật Bản, thực hiện. “Trẻ em luôn tiềm ẩn tài năng vô hạn”, đây là câu mà Giáo sư Hirai luôn coi trọng, và theo ông, nếu thay từ “trẻ em” trong câu này bằng từ “con người” thì ý nghĩa cũng vẫn chính xác. Nghĩa là bất cứ ai trong chúng ta cũng tiềm ẩn những khả năng nào đó, mà nếu không tự nhìn ra, hoặc không được ai nhận ra, thì chúng sẽ mãi mãi ẩn tàng uổng phí. Những người có may mắn được nhìn nhận và sống đúng với những gì mình giỏi, mình yêu thích, thì sẽ luôn được tràn trề năng lượng, mỗi ngày trong cuộc đời đều sống động, không tiếc nuối. Vậy thì, điều quan trọng nhất chúng ta cần làm cho con mình, chính là từng bước thấu hiểu để nhận ra và giúp con tự do phát triển tiềm năng thật sự của mình. 

  

Có thể nói, Khơi nguồn tiềm năng con trẻ giống như một giáo trình giản dị mà thấu cảm và mang đầy tính khơi mở tư tưởng cho các bậc phụ huynh trong việc nuôi dạy con em mình có một cuộc đời đáng sống. Một cách cực kỳ logic và dễ hiểu, chúng ta được tìm hiểu lại cho đúng từng khái niệm là những tính từ mà mình đang mong muốn con trẻ đạt đến, ví dụ như Cá tính, Tài năng, Sáng tạo… Đó là những thứ “trời ban” hay tất cả đều có thể đạt được khi biết cách? Và tin vui là cuốn sách sẽ giúp chúng ta “biết cách”, với những phương thức khác nhau cho từng đứa trẻ, dựa trên nguyên tắc không gượng ép, để trẻ được phát triển tự do như con người mình chính là tiềm năng.

Không chỉ chú trọng về năng lực, Giáo sư Hirai còn giúp chúng ta khơi nguồn cho con trẻ về tính cách, ý chí, tâm hồn… bằng chính sự rung cảm của những trái tim nhỏ bé xinh đẹp ấy. Không có gì dễ dàng cả. Bao nhiêu bài học về sự thất bại, những câu chuyện buồn vì không hiểu nhau, không thông cảm cho nhau… vẫn sẽ diễn ra tại mỗi gia đình hằng ngày. Nhưng chỉ cần dành cho nhau tình cảm yêu thương thực sự, không gò ép và sở hữu, rồi chúng ta sẽ có cách để chạm vào nhau ấm áp nhất. Giáo sư Hirai cũng nhắc chúng ta rằng, trên con đường dài tìm cách nuôi dạy con trẻ, chính những hình hài nhỏ bé ấy cũng sẽ “dạy” người lớn chúng ta sống thế nào là xứng đáng. 

Photo: ..

Điểm đặc biệt đáng quý của cuốn sách này, là Giáo sư Hirai luôn thẳng thắn chỉ ra những sai lầm của nền giáo dục Á Đông đã và đang xảy ra, nổi trội là sự cứng nhắc và nghiêm túc thái quá khiến trẻ không thể tự do sáng tạo và phát triển tốt nhất. Mà mục đích của việc này lại là để xây dựng một nền giáo dục Nhật tốt hơn, mong muốn thế hệ trẻ em của Nhật sẽ nhận được sự nuôi dạy đúng đắn nhất, để có thể trở thành người xứng đáng với chính bản thân mình. Ông không ngại so sánh những sai lầm này với những nền giáo dục các nước khác có hướng đi tốt hơn, để mọi người đều có thể nhận ra đâu mới là điều đúng hơn cho con trẻ. Và chính vì như thế, rốt cuộc Khơi nguồn tiềm năng con trẻ lại vẫn là một cẩm nang về giáo dục Nhật Bản khiến người đọc cả thế giới phải kính trọng, như vẫn luôn kính trọng cách sống mà đất nước Mặt trời mọc này chọn lựa. 

Được dịch và xuất bản trong những ngày đại dịch đang diễn ra ra tại Việt Nam, những người thực hiện mong mỏi trong những ngày ở nhà, các phụ huynh chúng ta thôi loay hoay với “những điều mình cho là tốt nhất” kia đi và tập trung vào một điều duy nhất: Học cách thấu hiểu và trở thành động lực để khơi nguồn tiềm năng của con mình. Bởi chỉ khi đứa trẻ hiểu mình là ai, muốn trở thành ai và biết cách tự tìm ra con đường để đạt được điều đó, thì đứa trẻ mới thực sự đang sống thỏa thích trong cuộc đời của chính mình. Và đó cũng chính là mục đích mà chúng ta đang tìm kiếm. 

Cuốn sách Khơi nguồn tiềm năng con trẻ do dịch giả Khánh Dũng chuyển ngữ hiện đang bán online trên các kênh bán sách lớn trong toàn quốc. 

Giáo sư Nobuyoshi Hirai (1919-2006) tốt nghiệp Khoa Văn - Đại học Tokyo và Khoa Y - Đại học Tohoku. Ông là giáo sư danh dự Trường Đại học nữ Otsuma, là tiến sĩ Y khoa, Hội trưởng Hội nghiên cứu Nhi đồng học tại Nhật Bản. Với nhiều năm làm việc trong ngành y khoa và giáo dục trẻ em, Nobuyoshi Hirai viết rất nhiều sách dành cho việc giáo dục trẻ em từ độ tuổi thiếu nhi đến trung học.