Chị Quách Yến Phượng quê ở TP Long Xuyên (An Giang) trước đây làm việc cho ngân hàng với mức thu nhập khá. Tuy nhiên, chị quyết định xin nghỉ việc để rẽ sang khởi nghiệp với dược liệu.
Chị kể, năm 2018 từ lời gợi ý của người bạn hợp tác trồng dược liệu (xạ đen) để chống bệnh ung thư. Lúc đó chị đơn thuần nghĩ đây là câu chuyện làm ơn, làm phước chứ không phải để kinh doanh. Tuy nhiên, khi trồng và tìm hiểu về loại cây này chị cảm thấy thích thú, trước hết là bản thân cảm nhận được sức khỏe cải thiện, giấc ngủ sâu và ít thức giấc đêm khi dùng trà từ loại lá cây này. Ngoài ra, còn sự kiện đáng nhớ nữa là trong lần người bạn bị tai biến nhẹ đến nhà chơi thì đột nhiên huyết áp tăng, khi ấy chị mang trà xạ đen cho người bạn dùng thì hạ được huyết áp.
Là người trẻ tâm huyết với vùng Bảy Núi, chị Phượng kể, hình ảnh đầu tiên khi đến núi Cấm (Thiên Cấm Sơn) bắt gặp người dân oằn vai gánh rau củ từ trên núi xuôi xuống đồng bằng để bán, nhưng thu nhập mang lại cho họ chẳng được bao nhiêu. Khi ấy chị nghĩ tại sao trên núi phù hợp với dược liệu mà không trồng.
Cô gái 8X cho rằng, cây dược liệu không chỉ làm thuốc mà còn làm rau trong bữa ăn hằng ngày. Nơi đây còn là vùng có thổ nhưỡng thích hợp cho nhiều cây dược liệu quý. Ngoài ra, vùng Bảy Núi có nhiều danh lam thắng cảnh, đình chùa, hằng năm lượng khách trong và ngoài nước đổ về đông nên thích hợp phát triển du lịch nghỉ dưỡng, tâm linh gắn với phát triển trồng cây dược liệu.
“Tôi muốn người dân vùng Bảy Núi làm giàu từ cây dược liệu, không biết ước mơ đó thực hiện như thế nào nhưng sẽ quyết tâm làm hết sức mình”, chị Phượng bộc bạch.
Để có vùng nguyên liệu, chị Phượng bàn bạc với ngành Kiểm lâm, liên kết với người dân địa phương triển khai mô hình nông lâm kết hợp, trồng cây xạ đen xen dưới tán rừng. Diện tích tối thiểu khoảng 500m2 mỗi hộ và chị Phượng bao tiêu toàn bộ sản phẩm tươi cho nông dân.
Bên cạnh đó, chị còn phối hợp với Sở KH&CN An Giang, Đại học An Giang nghiên cứu sản phẩm trà xạ đen dạng túi lọc và trà hòa tan, hướng đến những khách hàng thu nhập tầm trung. Những sản phẩm này không chỉ mang đến sự tiện dụng cho người dùng, mà còn giúp khai thác tối đa các dược chất.
Hiện tại, sản phẩm trà xạ đen không chỉ có mặt tại An Giang mà còn cung cấp cho thị trường ở khắp vùng ĐBSCL, miền Trung... Ngoài ra, chị Phượng mong muốn sẽ có thêm nguồn lực để có được quy trình chế biến sản phẩm theo hướng hiện đại. Từ đó, có thể đưa sản phẩm đến với nhiều người tiêu dùng hơn, không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài.