Khởi nghiệp theo phong trào sẽ gây lãng phí nguồn lực

TP - Nguyễn Thanh Tùng (Giám đốc Công ty Aroma - Tiếng Anh cho người đi làm), người khởi sự thành công sau 6 năm lăn lộn thương trường chia sẻ về một hiện tượng gây lãng phí nhiều nguồn lực xã hội: Khởi nghiệp theo phong trào.
Nhiều bạn trẻ tìm cơ hội việc làm, khởi nghiệp tại các ngày hội tuyển dụng. Ảnh: Bảo Linh

Hiện tượng bong bóng

Từng đoạt giải vàng ở cuộc thi “Thắp sáng tài năng kinh doanh trẻ”, khởi nghiệp và tạo dựng thương hiệu riêng trong lĩnh vực dạy tiếng Anh cho người đi làm, anh có gặp nhiều trở ngại?

Tôi khởi sự ở giai đoạn khó khăn và thấy mình may mắn vẫn tồn tại và phát triển được. Thời điểm đó cứ 10 công ty mở ra thì 9 công ty chết, đó là vào cuối những năm 2000. Tôi thất bại rất nhiều việc, nhiều khâu và phải kiên trì khắc phục, đến mức không còn chỗ nào để thất bại nữa thì phải thành công thôi.

Tôi quan niệm cứ làm túc tắc, nghĩa là tập trung làm sâu, làm chắc, làm từng bước phát triển sản phẩm, thương hiệu, xây dựng công ty. Tôi bắt đầu từ con số không và không có nhiều nguồn lực trong tay thì phải tự tay xây dần từng viên gạch doanh nghiệp của mình thôi. Đó là sự tỉ mỉ, cụ thể và kiên trì.

Cách đây 6-7 năm, khởi nghiệp trở thành phong trào mạnh trong giới trẻ, còn nay, dường như một số bạn trẻ sợ khởi nghiệp, anh nghĩ sao về điều này?

“Nếu đặt mục tiêu cốt lõi là tiền thì dễ bị chán nản dẫn đến bỏ cuộc khi mục tiêu đặt ra không triển khai được. Thay vào đó hãy đặt mục tiêu hoàn thiện sản phẩm, xây dựng nên một thương hiệu, tạo nên một hệ thống… Khi bạn chưa kiếm được tiền, bạn vẫn có tiến triển, đạt được từng bước mục tiêu mình đề ra, có động lực để bước tiếp, cho tới ngày thành công”.

Nguyễn Thanh Tùng

Khởi nghiệp là một tín hiệu tốt cho nền kinh tế, xã hội để dần định hình môi trường kinh doanh, thực thể kinh doanh (các công ty) dần tốt lên, làm động lực cho nền kinh tế phát triển. Và xu hướng này khởi động mạnh mẽ từ 6-7 năm trước, thực ra hiện tại nó không mất đi mà đang trong giai đoạn phát triển khác.

Tuy nhiên hiện tại, phong trào khởi nghiệp ở giới trẻ phát triển theo chiều rộng chứ không phải chiều sâu nên có nhiều dự án làm người ta thấy nhạt hơn. Bản thân nhân sự, cùng nguồn tài chính đưa vào khởi nghiệp, thời gian, công sức và các mối quan hệ đều được coi là một phần của nguồn lực xã hội.

Tôi nhận thấy việc khởi nghiệp ào ạt và nhanh chóng xẹp như hiện tượng bong bóng hiện nay trong giới trẻ là một sự lãng phí rất lớn nguồn lực xã hội.

Ở công ty tôi có những bạn làm việc ở mức bình thường, gọi là làm được việc nhưng vẫn muốn ra ngoài khởi nghiệp và kết quả dự án đó không đến đâu cả. Một số bạn vì thất nghiệp nên tự khởi nghiệp và thất bại. Tất cả đều tạo nên hiện tượng bong bóng, lãng phí.

Nguyễn Thanh Tùng

Đừng nghĩ tới tiền

Một số bạn trẻ nghĩ đơn giản có đam mê, có khả năng, vay chút tiền là có thể thành công, nhưng lại thiếu định lượng dễ thất bại. Theo anh, để khởi nghiệp phải hội tụ những yếu tố gì?

Đây là một vấn đề mấu chốt, và là vấn đề khó, khó có lời giải, khó có công thức đảm bảo cho sự thành công của dự án khởi nghiệp. Khởi nghiệp cần đam mê để vượt qua được những khó khăn thường trực, giúp hoàn thiện và đưa ra được những sản phẩm có chất lượng cao. Nhưng đam mê thôi không đủ, cần phải có nền tảng với những giá trị cốt lõi để hoạch định và thực thi các kế hoạch thành công, chiếm lĩnh thị trường.

Khá nhiều trường hợp khởi nghiệp khi nhận được phản biện, chất vấn về tính khả thi của sản phẩm, thị trường thì điều gần như duy nhất nói được là tôi có đam mê, tôi tin là tôi làm được mà rất thiếu những thông tin chứng minh được sự khả thi. Câu chuyện sản phẩm, thị trường là một câu chuyện khách quan, nó không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan là bạn tin hay bạn muốn thành công. Ai thành công cũng còn cần một chút may mắn.

Có một nghịch lý là tuổi trẻ có nhiệt huyết nhưng thiếu trải nghiệm và thường khó lắng nghe những phản biện, phân tích trái chiều, khách quan.

Một điều cần khẳng định đã khởi nghiệp là cần phải có tiền để triển khai công việc nhưng đừng đặt mục tiêu là kiếm tiền từ khởi nghiệp.

Cảm ơn anh.