>>Truy quét, xử lý nghiêm
>> Tên Đại Lam Ngọc là do chúng tôi đặt
>> Lần theo dấu khối Đại Lam Ngọc khổng lồ
Sau khi Tiền Phong ngày 23/8 đăng bài Lần theo khối Đại Lam Ngọc khổng lồ, UBND tỉnh Nghệ An có công văn chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì phối hợp với UBND huyện Quỳ Hợp kiểm tra vấn đề báo nêu, sớm có biện pháp chấm dứt tình trạng khai thác đá quý trái phép trên địa bàn xã Châu Thành, nơi phát hiện khối Đại Lam Ngọc.
Tại báo cáo số 2701/TNMT-KS, Phó GĐ Sở TN&MT Nghệ An Đặng Ngọc Long, cho biết: “Đây là loại khoáng sản giàu nhôm, hay còn gọi là quặng sắt NazơDac, nguồn gốc trao đổi có độ cứng rất cao, cấu tạo dạng hạt màu lục nhạt, nâu, nâu đỏ.
Tuỳ từng mẫu vật cụ thể nhưng nhìn chung có chứa các khoáng vật sau: Corindon, xtorolit, disten (khoáng vật nhôm độ cứng cao); Magnetit, hermatit (khoáng vật của sắt)...
Kết quả kiểm tra tại thực địa và tất cả các mẫu vật mà người dân gom bán không phát hiện mẫu điển hình đạt đến gọi là đá quý, hay đá bán quý (rubi, saphia) để có thể chế tác để làm trang sức hay tranh bán quý!”.
Kết luận của Phó GĐ Sở TN&MT Nghệ An Đặng Ngọc Long dựa trên cơ sở tham khảo ý kiến của các chuyên gia là giáo viên bộ môn Nguyên liệu khoáng Trường ĐH Mỏ Địa chất Hà Nội, chuyên gia kỹ thuật Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ, đồng thời căn cứ kết quả xác minh của Công an tỉnh Nghệ An sau khi làm việc với Tập đoàn DOJI, đơn vị sở hữu khối đá gọi là Đại Lam Ngọc.
Trước đó, tiếp xúc với Công an tỉnh Nghệ An, đại diện Tập đoàn DOJI cho biết, khối Đại Lam Ngọc chỉ có giá trị về mặt trưng bày, quảng cáo giới thiệu tiềm năng tài nguyên khoáng sản của đất nước, không có giá trị sử dụng chế tác đồ trang sức và cũng không xác định được trị giá bao nhiêu tiền.