Đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, cầu được đầu tư xây dựng theo quy hoạch, nhằm hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai II của Thành phố Hà Nội; tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố.
Công trình còn giúp cải thiện điều kiện khai thác, đảm bảo an toàn giao thông, kết nối hai bờ sông Hồng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng quận Hai Bà Trưng, quận Long Biên nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung; tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi đô thị phía Bắc Thủ đô; từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô theo quy hoạch.
Dự án được xếp diện nhóm A - Công trình cấp I với mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư là ngân sách thành phố Hà Nội; thời gian thực hiện dự án từ 2020 - 2022. Chủ đầu tư là UBND thành phố Hà Nôi, đơn vị được giao thực hiện dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội.
Theo thiết kế, cầu có hình dáng tương tự như cầu Vĩnh Tuy 1 và có chiều chiều dài 3,4 km, nằm cách cầu Vĩnh Tuy 1 về phía hạ lưu (hướng Hưng Yên) 21,2 mét, cầu có độ cao tĩnh không so với mặt nước sông Hồng thông thường là 11 mét. Cầu có 8 làn xe, trong đó có 4 làn xe ô tô, 2 làn đường xe buýt và làn xe thô sơ. Theo thiết kế này, cầu Vĩnh Tuy 2 là cầu đầu tiên tại Hà Nội có chia làn đường dành riêng cho xe buýt lưu thông.
Dầm cầu được thiết kế dạng Super T bê tông cốt thép dự ứng lực, chiều dài 1.758m với sơ đồ nhịp (1x39+3x40)m +7x(5x40)m+ (4x40+1 x39)m. Cùng với trụ bê tông cốt thép khoan nhồi vĩnh cửu đã giúp cầu Vĩnh Tuy chịu được cấp độ động đất cấp 8.