Khoảng lặng của Lại Văn Sâm

Anh có lẽ là vị trưởng ban trẻ trung nhất. Cũng có thể do thói quen ăn mặc rất thể thao. Có thể do anh thích dẫn chương trình. 10 năm trước thích nhún nhảy trước âm nhạc thế nào, 10 năm sau vẫn thế...
Nhà báo Lại Văn Sâm

Nhưng... hơi giật mình khi nhắc tới con số 10: Nhanh thế à? Chỉ vì bây giờ anh đã nhảy sang "đầu" 5. Nói về nhà báo Lại Văn Sâm như sự mở đầu bởi anh là một hình ảnh đậm nét về "chất" của VTV3 sau 10 năm gắn bó.

Nếu cần tóm tắt thật ngắn gọn những bước đi của Ban Thể thao - Giải trí - Thông tin kinh tế (TT-GT-TTKT) sau 10 năm, cần nhớ tới những dấu mốc nào?

Đầu tiên là chiến thuật "vết dầu loang" năm 1996, làm 1 - 2 chương trình (SV'96, Trò chơi liên tỉnh) rồi lan toả ra với Bảy sắc cầu vồng, CLB Bạn yêu nhạc... Năm 1998 đánh dấu sự xuất hiện ấn tượng của một loạt chương trình do Ban tự làm (Vườn cổ tích, Ở nhà chủ nhật, Từ ánh mắt đến trái tim...).

Sự xuất hiện của các game show mua bản quyền, đánh dấu bằng Chiếc nón kỳ diệu (2001) đã mang lại chất lượng và công nghệ cao hơn, nâng dần tính chuyên nghiệp. Cao hơn nữa là khả năng tổ chức sự kiện được nâng lên bằng một loạt chương trình có quy mô: Cầu TH đón giao thừa, các Lễ hội, Lễ trao giải lớn: Hoa hậu Việt Nam, Trí tuệ Việt Nam, Cánh diều...

10 năm được xây dựng bằng những bàn tay và sự tâm huyết của cả ban. Nhưng, nếu phải nói về những cái không thành công, anh nhớ nhất tới chương trình gì?

Có một chương trình không thành công, mặc dù phát sóng: SV 2000. Chương trình này nằm ngoài sự kiểm soát của tôi. Chúng tôi muốn sinh viên chơi, nhưng thực chất là các trường chơi, họ đã thuê đạo diễn từ bên ngoài dàn dựng vào khiến nội dung không được như ý.

"Quân" của Ban TT-GT-TTKT có tiếng với không khí làm việc vui vẻ, khi nào thì mọi người nghiêm túc nhất?

Chúng tôi làm game, bản thân người làm không vui, người chơi, người xem sao vui được? Đúng là công việc của các phòng rất vui, thành thử người của Ban tôi hơi... "bắng nhắng", khán giả đến trường quay thì biết, một trợ lý trường quay đã làm tưng bừng không khí như thế nào. Nhưng dưới góc độ nghề nghiệp họ lại rất nghiêm túc. Bạn có thể chứng kiến cảnh không ai cười nếu dự một cuộc họp rút kinh nghiệm sau khi ghi hình.

Nếu để nói về "màu sắc" chung của VTV3 sau 10 năm, một nhận xét từ góc nhìn của anh là thế nào?

Hoàn toàn giống như hình dung của tôi. Nhưng tôi nghĩ nó còn phải rực rỡ hơn cơ. Khi VTV3 xuất hiện, nó đã mang một bản sắc riêng. Nhưng tới giờ, bản sắc ấy chưa được rõ nét lắm. Cái khó nhất là cần quy hoạch sao cho VTV3 thành một kênh TH thực sự mang tính chất "thể thao-giải trí".

Nhiều người hình dung nhà báo Lại Văn Sâm luôn có những câu nói lạc quan, thế còn một "khoảng lặng" của anh khi nhìn về 10 năm sẽ thế nào?

Nói thật với bạn, trụ được đến bây giờ, không ít người đã phải trả giá, về gia đình, về cái này cái kia... Công việc ở đây thì tương đối vui, anh em cũng thích làm. Nhưng thời gian mà họ lao vào như con thiêu thân, dần dần đã được đền bù, nhưng vẫn chưa được như ý. Cũng có một số người ra đi, dù không nhiều, một phần là do áp lực công việc lớn.

Anh đang có vẻ rất xót "quân" đấy. Liệu có khi nào, trưởng ban tập hợp các gia đình để mong có sự thông cảm cho người của mình không?

Đúng là tôi cực kỳ xót "quân", nhưng thậm chí tôi đã cố ý tránh gặp gia đình của họ. Có lần tôi ngồi tâm sự với Diễm Quỳnh: nhiều khi ngại gặp chồng của bọn em vì cảm giác anh có lỗi khi để mọi người làm việc căng quá. Quỳnh bảo: chính tại bọn em yêu nghề nên thích chứ không phải bị "bắt" phải làm.

Còn để nói mấy câu với gia đình của họ, tôi không phải là người nói lời có cánh, như nhân vật của Người xây tổ ấm số Tết. Với tôi khó quá, thà rằng mình ngồi im thì hơn. Tôi sẽ nói gì trong khi vợ người ta 9 - 10h đêm, thậm chí muộn hơn mới về nhà, Tết nhất vẫn đi làm? Tốt nhất là mình tạo điều kiện để mọi người có điều kiện làm việc tốt hơn hoặc xin bồi dưỡng, tăng thêm định mức.

Chuyện đó, giờ đã cải thiện được chưa?

Chưa. Tôi vẫn phải trốn, phải tránh gặp gia đình họ. Nhưng thực sự, tôi có nói: các bạn may có gia đình hậu thuẫn. Đàn ông làm việc ở Ban không nói làm gì, nhưng phụ nữ trụ được vì có những ông chồng rất tốt. Tôi rất quý các ông chồng ấy, dù thâm tâm thoáng nghĩ nếu mình đứng ở vị trí ấy chắc không chịu nổi. Có khi tôi phải đuổi "quân", không cho làm đêm hôm, cũng phải về chăm sóc gia đình, chồng con ra làm sao chứ. Đến khổ!

Một chuyện nữa rất cần được nói trong dịp này, đó là người dẫn của Ban TT-GT-TTKT mấy năm nay chưa có ai vượt qua những gương mặt cũ. Anh nghĩ thế nào về điều này?

Đúng là để vượt qua Diễm Quỳnh trong các chương trình văn nghệ không có ai. Diễm Quỳnh không chỉ là gương mặt của VTV3 mà được Đài đánh giá cao. Giờ thì kỹ thuật các nơi đều được trang bị tốt, tiền nong đã có nhà tài trợ, ý tưởng không ra thì mua bản quyền - vấn đề quan trọng nhất là con người.

Càng sau này, những cá nhân sẽ quyết định rất nhiều tới chất lượng chương trình, đó là lý do trên thế giới, người dẫn ngày càng kéo dài tuổi nghề. Còn chưa phát triển là do tố chất, do ngưỡng của mỗi người. Trong lĩnh vực này đòi hỏi nhiều yếu tố, ngoài phông kiến thức còn là cái duyên: nói quá đi thành diễn, thiếu thành vụng.

Hiện tại, người dẫn quá ít, quá khó tìm dù các nhóm thực hiện đã sục sạo khắp nơi. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều nước. Tôi đã trình bày ý kiến với Tổng giám đốc Đài, trong năm nay sẽ tính chuyện quay trở lại đề án thi tuyển người dẫn trên VTV3.

Xin cảm ơn!

Theo VTV