Khó quy trách nhiệm khi DNNN thất thoát, đổ vỡ

TP - Các chuyên gia đã chỉ ra lỗ hổng trên, tại hội thảo giám sát và đánh giá hoạt động doanh nghiệp nhà nước (DNNN) do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổ chức SIDA (Thụy Điển) tổ chức, ngày 22-11.

> Tập đoàn nhà nước Lỗ nặng, lương cao: Khập khiễng nhân sự, cơ chế
> Độc quyền doanh nghiệp nhờ... nhà nước
> Một mình ngân hàng không thể xử lý được nợ xấu

Theo ông Phạm Đức Trung - Phó Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (CIEM), hiệu quả thực sự của việc sử dụng nguồn lực của DNNN là vấn đề chưa có câu trả lời chính xác, thống nhất.

Ngay cả những số liệu được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố cũng chỉ là số liệu báo cáo chưa đầy đủ, chưa có kiểm chứng đảm bảo tính xác thực.

Ông Trung cho biết, ngay như vụ việc ở Tập đoàn Vinashin, đến nay vẫn còn tranh luận về giá trị thực về tài sản, vốn nhà nước, các khoản nợ, mức độ thua lỗ của tập đoàn này.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Tổng Cty Hàng hải (Vinalines) và một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác.

Nguy hiểm hơn, trong vòng 4-5 năm qua, ở Việt Nam xuất hiện tình trạng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư thành lập các công ty con, công ty cháu một cách tràn lan để kinh doanh trong những lĩnh vực rủi ro như: chứng khoán, bất động sản, tài chính.

Tuy nhiên, các cơ quan giám sát đã không nắm được thông tin và không kiểm soát được tình trạng này. Khi DNNN đổ vỡ hoặc thất thoát, trách nhiệm lại không biết quy cho ai.

Theo TS. Trần Tiến Cường - nguyên Trưởng ban Cải cách doanh nghiệp (CIEM), nguyên nhân cơ bản dẫn đến thất thoát, lãng phí của DNNN là do lỗ hổng giám sát, không có một cơ quan Nhà nước nào đứng ra chịu trách nhiệm về giải trình.

Trong các văn bản pháp quy cũng không có quy định nào quy định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính.

“Cần có quyết tâm chính trị để tập trung đầu mối, thành lập tổ chức chuyên ngành và chuyên nghiệp để giám sát các tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn, quan trọng” - ông Cường đề xuất.

Theo Báo giấy