Khó ngăn phá rừng

TP - Hàng loạt khu rừng của Quảng Bình đang bị lâm tặc tàn phá nghiêm trọng, nhưng các cơ quan chức năng kêu khó trong việc ngăn chặn.
Ông Dương thừa nhận rừng trong lâm phần của lâm trường Khe Giữa đang bị tàn phá nghiêm trọng

> Tận thấy công nghệ phá rừng

Ông Dương thừa nhận rừng trong lâm phần của lâm trường Khe Giữa đang bị tàn phá nghiêm trọng.
 

Dân còn đói thì khó giữ rừng

Ông Trần Thanh Dương - Giám đốc Chi nhánh Lâm trường Khe Giữa không hề giấu diếm việc rừng trong lâm phần mình quản lí bị lâm tặc tàn phá. Thậm chí ông Dương thừa nhận rừng đang bị tàn phá nghiêm trọng, như vùng rừng thuộc bản Xa Khía, xã Lâm Thủy được xác định là điểm nóng. Tuy nhiên việc ngăn chặn đang gặp nhiều khó khăn.

Ông Dương cho rằng: Lâm trường Khe Giữa quản lí hơn 40 ha rừng, đa số lâm phần đều có làng bản của dân sinh sống xen kẽ nên công tác bảo vệ rừng hết sức phức tạp. Đã là người miền rừng thì dân phải sống dựa vào rừng.

Trong lúc nhà nước chưa tìm được nghề phù hợp cho dân ổn định cuộc sống thì việc phá rừng không thể ngăn chặn. “Cơm áo, gạo tiền, sách vở cho con cái, tiền thuốc men lúc đau ốm lấy đâu ra nếu họ không vào rừng. Chúng tôi biết dân đang phá rừng nhưng làm căng thì dân đói. Thực sự nhiều lúc chúng tôi không nỡ” - ông Dương trần tình.

Theo ông Dương, phá rừng đa số do là người dân địa phương, còn vận chuyển, buôn bán là các đầu nậu từ dưới xuôi lên. Mặc dù lâm trường đã lập nhiều điểm chốt chặn, kiểm soát lâm sản nhưng hoạt động chưa hiệu quả. “Bọn chúng vừa tinh vi, vừa hung hãn, tìm đủ mọi cách để gỗ lọt qua trạm. Chúng thường thuê dân bản địa gùi gỗ qua trạm đến điểm tập kết rồi mới cho lên xe chở về xuôi; hoặc dùng xe máy chở mỗi lần một ít phóng như bay làm anh em không kịp ngăn chặn” - Ông Dương nói.

Cũng theo ông Dương, theo chương trình 167 của Chính phủ hỗ trợ làm nhà ở, người dân được phép tận thu gỗ ở trong rừng cũng đang khiến lâm trường lúng túng. Các văn bản liên quan chưa được hoàn thiện nên nhiều người lợi dụng vào chính sách này để phá rừng.

Khó mà ngăn chặn phá rừng nếu Nhà nước không tạo được việc làm ổn định cho người dân

 

Lâm tặc quá hung hãn

Ông Dương cho rằng, việc lâm tặc ngày càng hung hãn, sẵn sàng tấn công kiểm lâm cũng là một nguyên nhân gây khó cho việc bảo vệ rừng. Từ đầu năm đến nay đã có 4 vụ lâm tặc tấn công lực lượng bảo vệ rừng của lâm trường, nhưng chỉ có 1 vụ đưa ra xét xử. Lâm tặc ngày càng hung hãn trong lúc công cụ hỗ trợ được trang cấp cho lực lượng bảo vệ rừng thì hạn chế.

Năm 2009, một nhóm lâm tặc ở xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy sau khi đánh gãy 2 chân của một cán bộ bảo vệ rừng, còn dùng rựa cắt đứt tai của vị cán bộ này. “Anh em chỉ cần bắt gỗ của chúng là kiểu gì cũng bị trả thù” - ông Dương nói. “Vụ lâm tặc cắt tai cán bộ cũng có khởi tố nhưng không bắt được đối tượng. Thi thoảng anh em đi kiểm tra rừng vẫn thấy đối tượng đó nhởn nhơ tiếp tục phá rừng. Anh em chỉ biết về báo cáo lại chứ không dám lại gần nó”.

Mới đây lực lượng của lâm trường vào rừng đẩy đuổi, ngay lập tức bị lâm tặc dùng cưa máy tấn công. “Mặc dù anh em của lâm trường đã bắn chỉ thiên nhưng bọn chúng vẫn tấn công quyết liệt nên buộc phải nổ súng. Viên đạn cao su chỉ gây chấn thương nhẹ nhưng cuối cùng lâm trường buộc phải đền bù 500 ngàn đồng” - Ông Dương cho biết.

Ngay sau khi báo Tiền Phong khởi đăng loạt bài “Về nơi lâm tặc lộng hành”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã có công văn yêu cầu Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình, UBND huyện Quảng Ninh khẩn trương kiểm tra nội dung báo nêu và báo cáo kết quả cho UBND tỉnh. Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình cũng có công văn yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh kiểm tra.

Ngày 9-7, Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành trực tiếp về bản Nà Lâm. Ông Phạm Hồng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình khẳng định: Sẽ điều tra làm rõ vụ việc, xử lí nghiêm các đối tượng phá rừng và những người trong ngành liên quan nếu có.

 
Theo Báo giấy