Khô hạn giữa mùa lũ

TP - Vùng cao A Lưới (tỉnh TT-Huế) vốn khó khăn về nguồn nước tưới và sinh hoạt, nay lại xảy ra tình trạng tụt mạch nước ngầm bất thường trên diện rộng khiến đời sống bà con đồng bào dân tộc thiểu số thêm khốn khó. 
Con suối này ở xã Phú Vinh, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã không còn nước


Theo chính quyền địa phương, nước ngầm tụt giảm là do bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện A Lưới. Tuy nhiên, chủ đầu tư công trình thủy điện yêu cầu phải có cơ sở khoa học mới xem xét bồi thường cho dân.

Dù giữa mùa lũ lụt, trong khi nhiều nơi tại TT-Huế đang tìm cách chống chọi với ngập úng thì tại hai xã Phú Vinh, Hồng Thượng (huyện A Lưới), người nông dân vẫn ngày ngày “lạy trời mưa xuống” để có nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, chăn nuôi, do toàn bộ hệ thống ao hồ, khe suối tự nhiên, giếng khơi bị cạn trơ đáy. Tình trạng này xảy ra dai dẳng nhiều năm, do mạch nước ngầm nơi đây giảm mạnh, đặc biệt là từ khi công trình kênh dẫn nước phát điện thuộc Dự án nhà máy thủy điện A Lưới được triển khai tại hai xã này.

Mạch nước ngầm giảm mạnh

Theo dân địa phương, để dẫn nước từ hồ chứa trên sông A Sáp về nhà máy thủy điện A Lưới, trước năm 2012, chủ đầu tư thủy điện cho đào một con kênh và đường ống dẫn nước dài khoảng 12 km đi qua thôn Kăn Tôm (xã Hồng Thượng) và thôn Phú Xuân (xã Phú Vinh). Đáy kênh sâu hàng chục mét dưới lòng đất, sâu hơn cả đáy giếng và ao hồ, khe suối.

Từ khi có công trình kênh dẫn này, hàng trăm giếng nước sinh hoạt, nhiều ao cá và diện tích hoa màu của nhiều hộ dân đành phải bỏ hoang do mạch nước ngầm bị tụt giảm bất thường. Ông Hồ Viết Liêm, trưởng thôn Kăn Tôm cho biết, 45/100 hộ dân trong thôn có hồ cá và giếng khơi bị khô cạn nước, không thể sử dụng cho sản xuất, sinh hoạt.

Nhiều gia đình hiện bị ảnh hưởng do mạch nước ngầm tụt giảm nghiêm trọng từng di dời, nhường đất xây công trình thủy điện, như trường hợp hộ ông Hồ Văn Nhật (70 tuổi, trú xã Hồng Thượng). Năm 2010, gia đình ông Nhật di dời đến nơi ở mới để giao đất làm dự án thủy điện A Lưới. Như nhiều hộ tái định cư khác, sau khi di dời, họ vừa thiếu mặt bằng sản xuất lại gặp đất đai khô cằn, thiếu nước, không trồng được cây. Gia đình ông Nhật đào nhiều ao thả cá, nhưng không có nước nên đã bỏ hoang hơn 5 năm nay.

Tại xã Phú Vinh, nhiều hộ sống gần cửa lấy nước vào kênh dẫn từ hồ thủy điện A Sáp về nhà máy phát điện cũng gặp tình cảnh tương tự. Hàng trăm giếng nước cạn trơ đáy triền miên, nhiều diện tích hoa màu, ao hồ nuôi cá bị bỏ hoang vì không có nước. Một người dân cho biết: “Trước năm 2010, tại huyện A Lưới từng xảy ra các đợt hạn hán nặng, nhưng nhiều giếng nước, ao hồ, khe suối ở riêng xã Phú Vinh chưa bao giờ khô kiệt. Vậy mà kể từ khi nhà máy thủy điện A Lưới làm kênh dẫn nước chạy qua địa bàn đào sâu xuống lòng đất mấy chục mét, thì hàng loạt giếng nước trong vùng bị khô kiệt bất thường, dân không thể sử dụng, đành lấp bỏ đi”.

Kêu cứu

Theo ông Hồ Chính Bê, Chủ tịch UBND xã Phú Vinh, từ kiến nghị và kêu cứu của dân UBND xã đã nhiều lần yêu cầu đại diện thủy điện A Lưới về kiểm tra hiện trạng để có phương án hỗ trợ dân, nhưng họ chưa có động tĩnh gì.  

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện  A Lưới, xác nhận có tình trạng mạch nước ngầm ở hai xã Phú Vinh và Hồng Thượng bị tụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của nhiều hộ dân. Nhiều diện tích hoa màu, ruộng vườn, hồ cá đã bị bỏ hoang, giếng nước cạn kiệt nhiều năm. Nhiều người dân bị thiếu việc làm vì tình trạng khô hạn trái quy luật xảy ra quanh năm này.

UBND huyện A Lưới đã có báo cáo gửi UBND tỉnh TT-Huế. UBND tỉnh TT-Huế đã đồng ý cho nghiên cứu triển khai đề tài khoa học về xác định nguyên nhân mất nước mặt và sụt giảm tầng nước ngầm tại huyện A Lưới. “Huyện rất mong sớm có kết luận về nguyên nhân hệ thống mạch nước ngầm trên địa bàn bị tụt giảm mạnh. Phía nhà máy thủy điện A Lưới cho rằng, chưa có cơ sở khoa học để xác định nguyên nhân do thủy điện gây ra, nên họ không thể xem xét đền bù, hỗ trợ cho dân”, ông Hùng nói.