Dưới đây là những địa điểm nằm sâu trong lòng đất ở Anh mà hiếm người biết đến.
Hầm ngầm ở Edinburgh
Hệ thống ngầm ở Edinburgh nằm bên dưới South Bridge, được biết đến vào năm 1788 và trải dài khoảng 300 m. Nơi đây được nhắc đến với nỗi ám ảnh kinh hoàng về hai kẻ giết người hàng loạt Burke và Hare, chuyên mổ xẻ các nạn nhân cho mục đích nghiên cứu khoa học. Cuối thế kỷ 18, nhiều người tìm đến nơi này như một hầm trú ẩn, tuy nhiên sau đó đã phải sơ tán khi điều kiện trở nên quá nguy hiểm.
Nhiều bạn trẻ đến căn hầm này để tìm kiếm cảm giác kích thích và rùng rợn. Ảnh: Stuck in customs
Căn hầm gần như bị lãng quên cho tới năm 1985, khi các nhà khảo cổ học tìm ra những tàn tích còn sót lại và đưa ra công chúng. Hiện đây là điểm đến ưa thích cho những ai thích khám phá và tìm kiếm cảm giác rùng rợn.
Tuyến đường sắt đưa thư ở London
Cho tới tận năm 2003, Royal Mail vẫn sử dụng tuyến đường sắt dưới lòng đất để chuyển thư và bưu kiện. Tuyến đường sắt được mệnh danh là “nơi lưu giữ bí mật tốt nhất” của ngành bưu điện khi có hơn 220 người hàng ngày âm thầm làm công việc chuyển giao thư tín dưới lòng đất.
Hệ thống đường ray sử dụng trong ngành bưu điện ở London. Ảnh: Supplied.
Ngân hàng Trung ương Anh
Ngân hàng này là nơi lưu giữ khoảng 400.000 thỏi vàng có giá trị 407.136 USD mỗi thỏi, lưu giữ trong 8 hầm riêng biệt.
Hầm trữ vàng trong lòng đất của Ngân hàng Trung ương Anh. Ảnh: AFP
Căn hầm ước tính trữ khoảng 4.600 tấn vàng có giá trị lên tới 400 tỷ USD. Để vào khu vực này, nhân viên sẽ cần một số lượng lớn chìa khóa, đồng thời phải đọc mật khẩu qua microphone nhận dạng giọng nói.
Đường hầm Williamson
Được biết đến như một mê cung ẩn dưới Edge Hill của Liverpool. Các nhà sử học cho rằng nơi đây do doanh nhân Joseph Williamson xây dựng trong khoảng từ năm 1810 đến 1840.
Theo tin đồn kể lại, Williamson thực sự tin trái đất đang đứng trên bờ diệt vong, do vậy ông quyết định xây hầm trú ẩn để bảo vệ gia đình và bạn bè. Tuy nhiên thời gian sau đó, căn hầm bị bỏ hoang, trở thành đống đổ nát cho đến khi các nhà khảo cổ tìm ra vào năm 1995. Từ đó, đường hầm Williamson được đưa vào danh sách Di sản quốc gia cần được bảo vệ.
Đường hầm Williamson ở Liverpool. Ảnh: Alamy.
Boongke Clapham
Năm 1944, boongke Clapham được xây dựng để bảo vệ 8.000 người dân London khỏi bom đạn chiến tranh. Sau khi cuộc tấn công kết thúc, nơi đây trở thành chỗ trú ẩn cho 492 người di cư Jamaica.
Một trong những tuyến đường chính của khu trú ẩn Clapham. Ảnh: News
Clapham gần như được bảo tồn nguyên vẹn trong nhiều thập kỷ cho đến năm 1998, Hội đồng di sản quốc gia chính thức đưa boongke Clapham vào danh sách Di sản cần bảo tồn. Bảo tàng Giao thông vận tải London đang đẩy nhanh tiến trình mở tour tham quan khu vực này trong thời gian sớm nhất.