Khiêm tốn giả

TP - Anh bạn tôi được giải nhì tại một cuộc thi cấp thành phố. Trả lời câu hỏi  về cảm tưởng khi được giải, anh nói: “Tôi cảm thấy mình may mắn  chứ nhiều bạn khác xuất sắc hơn. Cảm ơn ban giám khảo đã dành cho tôi sự ưu ái”. Tôi tin là anh nói thật.

Về nhà, tôi  hỏi anh: “Cậu thấy anh Hoàng được giải nhất có xứng đáng không ?”. 

Anh bĩu môi: “BGK  quá thiên vị. Nếu họ  công bằng, khách quan thì tôi phải đạt giải nhất. Thật xấu hổ khi phải nhận giải chung với thằng cha ấy!”. “Sao cậu không khiếu nại BGK mà còn cảm ơn?” “Mình phải giả vờ khiêm tốn chứ khiếu nại khán giả  cho mình  tự kiêu. Mà dân Việt Nam ta chúa ghét tự kiêu”.

Khiêm tốn là đức tính tốt của con người. Nó làm cho ta lớn lên, biết vươn tới những điều tốt đẹp. Nhưng giả vờ khiêm tốn  còn nguy hiểm hơn kiêu căng, tự phụ.

Ngoài mặt thì tỏ ra kính trọng, lắng nghe, nhưng trong lòng thì đố kỵ, ganh ghét, cho rằng không ai hơn mình.  Mong rằng trong thời kỳ dân chủ, đổi mới, chúng ta bớt đi những khiêm tốn… giả vờ kiểu ấy. 

  Thùy Hương
Tuy Hòa, Phú Yên