Rất may em không phải tốn sinh mạng mà sự việc vẫn được làm rõ, kịp thời ngăn chặn những hình phạt leo thang đáng ngạc nhiên do các thầy cô cùng phối hợp dành cho một nữ sinh - mang những “tội” nào là mặc áo dài mỏng, đi xe phân khối lớn, không chịu học thêm 4/5 môn, ghi âm cuộc nói chuyện với cô giáo…
Trong các lỗi này, đi xe phân khối lớn có vẻ phạm luật giao thông nhưng thầy cô thì không phải cảnh sát. Được biết trường không ra quy định về vải may áo dài nên việc xác định dày/mỏng hoàn toàn dựa trên cảm tính và là chuyện hết sức tế nhị. Hai lỗi còn lại thuộc về nhà trường thì đúng hơn. Bộ GD-ĐT không cho phép các trường tổ chức học thêm từ lâu. Học sinh tất nhiên không phải khách hàng của nhà trường nhưng lại là một loại khách hàng kiêm “sản phẩm” đặc biệt. Việc học sinh tự tử mà nguyên nhân liên quan đến nhà trường chắc chắn là một vết nhơ khó phai.
Năm ngoái một trường quốc tế ở TPHCM viết một lá thư bày tỏ sự đau lòng và chia sẻ trước sự việc cặp song sinh người nước ngoài học tại trường tự tử dù không phải ở trường, và nhắn gửi các bậc phụ huynh “hãy dành thời gian bên con, lắng nghe con nhiều hơn, hãy ôm con và cho chúng biết các bạn yêu chúng như thế nào”.
Còn trong vụ việc tại An Giang, chưa thấy một động thái “lấy làm tiếc” nào từ phía nhà trường. Thay vào đó, giáo viên chủ nhiệm lại lên Facebook đưa ra những bình luận không thích hợp về hành động dại dột của học trò mình làm dư luận thêm phẫn nộ. Và thôi, khỏi nghi ngờ về khả năng dạy dỗ của cô giáo đó.
Có vẻ như phép vua cũng thua lệ… trường, khi trường Vĩnh Xương vẫn duy trì những hình phạt đã bị cấm hoặc ngoài quy định như bêu tên học sinh trước toàn trường hay cấm túc.
Trong một môi trường khép kín chỉ có hai phe mà một phe tự cho mình nắm quyền lực tuyệt đối và phe còn lại không còn cách nào khác ngoài chấp hành, bi kịch rất dễ xảy ra. Câu hỏi đặt ra: Còn bao nhiêu ngôi trường vẫn đang khép kín với một số giáo viên “chọn nhầm nghề” như vậy?!