Tuyệt thực, điều khiển bằng ý nghĩ
Lớp học tại trung tâm chừng vài chục người, đủ lứa tuổi. Chị Linh nói: “Tôi làm bảo hiểm, thấy nhiều người bị bệnh quá. Tôi sắp đến năm hạn 49 tuổi, phải tìm đến trung tâm học để nâng cao sức khỏe, đón đầu”.
Chị Linh cho biết đang học bài tập nhịn ăn. Chị đã nhịn ăn cả tuần, chỉ uống nước lã và nước ép trái cây, nhưng chị vẫn đi làm việc, vẫn theo học các kỹ năng khác tại trung tâm. Chị nói: “Tôi hơi mệt, nhưng tinh thần thấy nhẹ nhàng, sảng khoái”.
Một bạn trẻ tên Quyết cho biết: “Mình đang trải qua khóa học tuyệt thực 9 ngày. Trước đây nhịn một bữa đã khó rồi nhưng 6 ngày liên tục đã qua mình không ăn gì, ngoài uống nước, nhưng thấy cũng ổn. Khóa học đem lại cho mình những trải nghiệm mới”.
Trên diễn đàn của Trung tâm, một học viên mô tả cảm giác của việc học tuyệt thực như sau: “Bụng nóng, sau đó toàn thân nóng, có cảm giác nội tạng đang bị thiêu cháy. Ngoài trời mát lạnh, trong nhà quạt thổi vù vù mà nóng, chịu hết nổi chạy xuống nhà pha nước chanh muối uống…”.
Một người tập cảm xạ viết: “Lúc nghe nhạc mình đang nghĩ tới màu đỏ thì đột nhiên có cảm giác như nằm dưới một con suối chảy róc rách, con suối chảy nhẹ nhàng và mình cũng lượn nhẹ như những con sóng vậy…”.
Sau một tuần tuyệt thực, Phú, một học viên cho biết đã sút 4 kg. Chị Linh, Quyết cũng đều giảm mấy kilôgam.
Trong thời gian học tuyệt thực, lớp vẫn luyện kỹ năng điều khiển bằng ý nghĩ. Các học viên quay bàn lại với nhau, cứ hai người làm thành một cặp. Một người cầm con lắc còn người kia cố gắng điều khiển con lắc chỉ bằng… ý nghĩ của mình.
Một số người cho biết con lắc đã đi theo ý muốn (?) nhưng cũng có bạn lắc đầu: “Thất bại! không điều khiển được!”.
Đi than đỏ, nằm mảnh chai
Bác sĩ Dư Quang Châu - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Cảm xạ Địa sinh học thuộc Đại học Hồng Bàng, TPHCM, nói: “Việc đi trên than đỏ có từ cả ngàn năm rồi, nhưng chưa ai biết đi than đỏ có tác dụng chữa bệnh”.
Môn cảm xạ học mà ông là một trong những người phát triển nó ở Việt Nam, xem đi trên than nóng là một thử thách cho học viên. Ông Châu nói: “Trong cuộc sống, con người thường bị nhiễu loạn tinh thần không làm chủ được mình. Môn cảm xạ học giúp họ tự tin với bản thân, vượt lên nỗi sợ hãi”. Nhiều học viên cảm xạ không còn sợ than đỏ nữa mà “có lửa là nhào vô”.
Chị Yến, một chủ doanh nghiệp theo môn cảm xạ cho biết đã nhiều lần đi trên than nóng. Tháng 5 và tháng 6 vừa qua tại Hải Phòng, hàng trăm học viên cảm xạ được tổ chức đi trên than nóng làm xôn xao dư luận. “Trước kia người ta nghĩ rất ít người làm được những chuyện như vậy” – Ông Châu nói.
Chưa hết, Trung tâm còn tổ chức cho hàng trăm học viên Hải Phòng nằm trên mảnh chai, có người đứng trên lưng, nhưng không việc gì. Trung tâm cũng có cuộc trình diễn cảm xạ tại Bắc Ninh. Các học viên Bắc Ninh đập gần 1.500 vỏ chai, trải con đường mảnh chai dài 5m, học viên mặc áo tứ thân, vừa đi trên mảnh chai vừa hát quan họ.
Đào tạo “Người nam châm”
Sáng 23-10 chúng tôi tới xem một khóa học “Lực hấp dẫn – Người nam châm” của chương trình “SAY YES! BE SUCCESSFUL – BE DIFFERENT”, được quảng cáo là “đăng ký khóa học “Say Yes!” chỉ đóng duy nhất 180.000 đồng để tham gia khóa học trị giá 1.800.000 đồng. 90% học phí khóa học được tài trợ bởi Tổ chức Giáo dục Quốc tế Tân Đại Dương. Không đóng thêm bất cứ chi phí nào và không phải học thêm một buổi nào sau khóa học”.
Có khoảng 300 học viên tham gia khóa học 1 buổi và được cấp chứng chỉ tại chỗ. Cảm nhận của chúng tôi là các học viên đều rất hào hứng. Một học viên làm văn phòng ở quận 1, TPHCM nói: “Đây là lần thứ hai tôi tham gia khóa học của ngành cảm xạ. Mỗi khóa học có một nội dung khác nhau”. Chị mong biết cách tạo ra sức hút với người khác, cải thiện khả năng thuyết phục đối tác.
Một người làm ở công ty xây dựng lần đầu tiên tham dự thì cho biết: “Nghe nói đào tạo ra Người nam châm, tôi tò mò, bèn tới để học”.
Khóa học được quảng cáo trên internet là: “Bạn có thể thực hành trở thành người nam châm ngay trong khóa học: bạn có thể hút điện thoại dính trên cơ thể của mình cùng hàng trăm bạn học trở thành người nam châm. Bạn có lực hấp dẫn không chỉ với kim loại mà còn đối với những thứ phi kim loại như tình yêu thương, tiền tài, thành công…”.
Buổi học do các giảng viên cảm xạ thực hiện, có sự trình diễn của anh Ngoạn- một cảm xạ viên đến từ Vũng Tàu. Anh cho biết: “Nhờ đi tập mà tôi phát hiện ra mình có thể hút và giữ được vật nặng trên thân thể mình”. Anh Ngoạn và các đồng môn đã biểu diễn khả năng giữ trên ngực một phiến đá nặng hơn 70 kg … nhờ “sức hút” nam châm của mình.
Tìm chính mình hay … làm siêu nhân?
Sau khi tham gia khóa học, một học viên nhận xét với chúng tôi: “Việc đào tạo các kỹ năng cho con người khá phong phú. Nhưng chúng tôi vẫn muốn học được điều gì đó sâu sắc hơn nữa”.
“Cảm xạ là rung động thư giãn, lắng nghe chính mình. Học cảm xạ là để cân bằng bản thân, tìm lại chính mình”. - Bác sĩ Dư Quang Châu.
Với cảm xạ, theo anh Ngoạn, điều chính yếu người học cần đạt tới đó là sự tự tin vào bản thân, sự lạc quan, sức khỏe cho bản thân. Chuyện làm người “nam châm”, hút được bao nhiêu kilôgam gỗ đá không quan trọng, đó chỉ là khả năng riêng của từng người được phát lộ nhờ học tập. Mỗi người sẽ phát lộ một khả năng khác nhau. Nên cố gắng phát huy khả năng của mình.
Bác sĩ Dư Quang Châu cũng nói: “Việc đi trên lửa hay nằm mảnh chai chỉ là những thử thách để giúp con người hoàn thiện mình chứ không phải mục đích của cảm xạ học”.
Ông Châu cho biết môn cảm xạ học phổ biến ở nhiều nước trên thế giới và truyền đến Việt Nam từ thời Pháp. Những năm 1970 người Việt Nam đã phát triển nó.
Ông Châu vốn là bác sĩ, từng phụ trách phòng khám y học dân tộc ngoại trú Bệnh viện tỉnh Đồng Nai (1980-1990), phụ trách phòng khám y học dân tộc của Công ty Dược liệu TƯ 2 (1990 – 1992). Ông du học tại Trung tâm Nghiên cứu Y năng lượng tại Monaco từ năm 1992-1996. Ông Châu khẳng định phát triển cảm xạ học là vì sức khỏe của mọi người chứ không nhằm tạo ra một số “ông đồng, bà cốt” mới.
Ông Châu khuyến cáo những người học cảm xạ mà tự cho mình có những năng lực phi thường, siêu nhân, đều là những người hoang tưởng. Việc chữa bệnh được đến đâu, cần phải có sự nghiên cứu của các tổ chức khoa học.
Tháng 10-2011