> Đường sáng đến bến thiện
> Đường về nẻo thiện thênh thang
Giáo dục một người phụ nữ, được cả gia đình...
Chủ nhật, 5/5, là ngày nắng đẹp. Khung cảnh ở trại giam Thanh Xuân hôm ấy khác bình thường. Không gian trại bao trùm bởi tiếng nhạc từ hội trường lớn, những khuôn mặt người vui, đi lại lanh lẹ. Trước khi giao lưu ở hội trường, khách mời được thăm nơi cải tạo, lao động của phạm nhân. Cuộc thăm viếng này cho các vị khách nhiều cảm xúc mới, lạ.
Trong phần giao lưu, chúng tôi có cảm nhận Tiến sỹ Lê Thị Bích Hồng, Vụ phó Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo T.Ư Đảng, xúc động cao độ, trút lòng bằng câu chuyện ngắn, rồi đúc kết với câu nói như một triết lý: “Tôi từng cùng một nữ nhà văn đến trại giam. Chúng tôi gặp và phỏng vấn các nữ phạm nhân. Một nữ phạm nhân kể, khi vào trại tưởng được gia đình chia sẻ, chờ ngày đoàn tụ. Nào ngờ, chồng dắt bốn đứa con đến, nói: “Tôi đồng ý nuôi bốn đứa con, nhưng với điều kiện cô ký vào đơn ly hôn”. Người chồng nói rằng, gia đình ta không chịu được tai tiếng khi có con dâu tù tội…”.
Hướng ánh nhìn về phía hàng ghế khán giả, nơi có nhiều nữ tù nhân, bà Hồng tâm sự: “Là phụ nữ, tôi hiểu nỗi lòng các chị. Thưa các bạn, giáo dục một người đàn ông, được một người đàn ông; giáo dục một người phụ nữ, được cả gia đình…”.
Có một "nhà tù thứ 2"
Bí thư T.Ư Đoàn Dương Văn An, Trung tướng Nguyễn Văn Ninh, Tiến sỹ Nguyễn Kim Quý, Đại tá Phan Trọng Hà… trong phần giao lưu với phạm nhân và sinh viên, đưa ra một khái niệm “nhà tù thứ hai”.
Ngoài nhà tù phạm nhân đang thụ án, có một nhà tù nữa vô hình nhưng khốc liệt không kém. Đó là sự mặc cảm của bản thân, sự kỳ thị của cộng đồng sau khi mãn hạn tù trở về làm lại cuộc đời.
“Chứng kiến các anh, chị trại viên lao động cải tạo và nghe những tâm sự tại buổi giao lưu, chúng em đã có được những bài học quý mà trên giảng đường không thể có”
Bùi Phương Thảo, Sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam
Câu chuyện của vị khách mời đặc biệt- anh Phan Lê Huy, một bác sỹ có mười năm nếm trải ở trại này, giờ quay lại nói chuyện với phạm nhân, trải lòng: “Sau mười năm, tôi trở về mà không báo cho gia đình. Mọi thứ trên đường trở về thay đổi đến kinh ngạc. Tôi không nhận ra đường về nhà mình nữa. Tôi chỉ nhận ra người quen là một người tật nguyền ở khu tập thể mười năm trước tôi thường gặp. Tôi bắt tay chào và anh ta cho biết tôi vừa đi qua nhà mình…”.
Anh Huy đã tìm ra chìa khóa để ra khỏi nhà tù thứ hai: “Phải xác định mình trở về với cộng đồng một cách nghiêm túc. Tôi đã chủ động lấy lại niềm tin của mọi người bằng những việc làm cụ thể. Bắt đầu từ những người trong gia đình, những người sống quanh mình.
Tôi xin chơi cầu lông với các anh chị khu dân phố, tham gia các hoạt động của Đoàn phường, của Hội Cựu chiến binh. Sẵn có nghề y, ai ốm đau tôi nhiệt tình giúp đỡ. Khi tôi nghiêm túc, chân thành, làm được việc thì mọi người tin. Từ đó, tôi hòa nhập được với mọi người…”.
Sau một năm anh Huy ổn định cuộc sống, mở phòng khám tư, chữa bệnh kiếm tiền nuôi gia đình. “Đường cong hay thẳng là do mình mà thôi”, anh Huy nói.
Trở về nơi mình đã ra đi...
Nối mạch cảm xúc câu chuyện trở về, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong làm một cuộc kết nối khán phòng khi đọc bài thơ “Tôi trở về nơi mình đã ra đi” của nhà thơ Chử Văn Long. Bài thơ như làn gió nhẹ, mát lành lan tỏa hội trường rộng, trang nghiêm tới những tâm hồn vốn xù xì, góc cạnh…
Tôi trở về nơi mình đã ra đi
Khi mái tóc đã có nhiều sợi bạc
Đất vẫn đất quê nhà nhưng đổi khác
Tôi cố tìm đâu đó dấu ngày xưa
Lời thơ chạm đến cảm xúc những con người dằng dặc nỗi nhớ quê, những người có chuyến đi xa tít tắp ngày về. Họ gục đầu xuống, mắt đỏ hoe…
Tôi trở về nơi mình đã ra đi
Em vẫn đó nhưng đâu là em nữa
Đâu ánh mắt đốt lòng tôi như lửa
Con bướm vàng thơ thẩn đậu rồi bay
Giờ gặp em tôi chẳng thể cầm tay
Em hỏi chuyện bâng quơ như khách lạ
Nhìn lũ trẻ hồn nhiên mà thương quá
Chẳng đứa nào, tôi biết tuổi, biết tên...
Một số nữ phạm nhân khóc, nữ phóng viên cũng khóc! Đâu phải những người thụ án là dằng dặc nỗi nhớ nhà, nhớ quê và rồi ngày trở về mọi thứ đổi khác đến ngỡ ngàng, như anh Huy đây không nhớ nổi nhà mình - mà trong khán phòng này vì nhiều nguyên cớ mà nhiều người cũng xa nhà, xa quê, cũng có không ít lần trở về quê mà nhìn ngơ ngẩn “Con bướm vàng thơ thẩn đậu rồi bay”. Những câu thơ vang lên trong không gian nhà tù, những tâm hồn bỗng tự do, kết nối.
Bài thơ khép lại bằng những âm hưởng lạc quan, tin tưởng rằng những nỗi buồn như thế sẽ qua đi, thời gian vẫn trôi về phía tương lai, cuộc sống vẫn tiếp diễn, những giá trị bất biến của nó vẫn còn đó.
Lá tre rụng, mai lá tre lại nở
Con bướm vàng thơ thẩn đậu rồi bay
“Cuộc đời các bạn đang đi vào một khúc quanh, nhưng cả cuộc sống của các bạn vẫn đang ở phía trước” - người đọc thơ nói thêm khi kết thúc.
Hội trường cứ thế lặng im, nghe được tiếng thở, tiếng sụt sịt của ai đó, rồi vỡ òa tiếng vỗ tay.
Tiếng hát của vị tướng
Người dẫn chương trình xướng tên Trung tướng Nguyễn Văn Ninh một cách trang trọng trong phần phát biểu tổng kết. Ông lách ra từ bàn dành cho khách VIP, cầm mic, không bước lên sân khấu mà đứng tại chỗ nói vo, chứ không “phát biểu, kính thưa”.
Ông nói “tôi đứng đây nói được không”. Nét mặt ông vui tươi, giọng ông sôi nổi (có lẽ ngồi ở dưới ông đã ngấm hết những cảm xúc từ đầu chương trình).
Ông gọi phạm nhân là anh, là chị! Ông kiến nghị với báo Tiền Phong, T.Ư Đoàn tổ chức giao lưu thế này nhiều hơn ở các trại giam khác. Ông tâm đắc khái niệm “nhà tù thứ hai” và mong xã hội bao dung với người lầm lỡ...
Ông làm dịu hội trường bằng cách nói gần gũi, trẻ trung. Ông tự khen mình hát hay và “hát tặng các anh các chị bài hát về thanh niên”. Khi âm nhạc hát trục trặc, ông bảo “tôi hát vo cũng hay”. Thế rồi ông hát, đoàn viên thanh niên Tổng cục 8 cũng bước lên, khách mời cũng rời ghế hát cùng ông.
Một không khí sôi nổi, thân tình, gần gũi lan tỏa. Một hành động hay hơn những lời giáo huấn; một liên khúc tuổi trẻ do Trung tướng lĩnh xướng không có trong kịch bản và một kết thúc bất ngờ... “Tôi hát từ tấm lòng, từ trái tim”, tướng Ninh, nói.
Suy cho cùng, phạm nhân cũng là con người, cũng đầu đen máu đỏ. Họ chỉ là những con người lầm lỡ và phải trả giá cho lỗi lầm đó. Giúp họ trở về với cái thiện, rất cần những tấm lòng nhân ái. Thêm một người tốt, bớt một mối lo…