Khi sữa học đường không chỉ 'chảy' từ bầu sữa ngân sách

Quan niệm sữa học đường miễn phí, Nhà nước tài trợ toàn bộ tồn tại phổ biến trên thế giới. Nhưng với các quốc gia ngân sách còn nhiều mục chi, trong đó có Việt Nam, cách làm này không khả thi.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng (ngoài cùng bên phải) trao tặng 1 triệu ly sữa TH true Milk cho học sinh huyện đảo Lý Sơn tại buổi lễ

Phương thức “Nhà nước và phụ huynh cùng làm” cùng với sự hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức vừa triển khai ở Nghệ An được coi là cách làm sáng tạo để hiện thực hóa chương trình mang tính cách mạng nguồn lực xã hội này …

Hiện thực hóa khát vọng trăm năm

Tối 9/10, Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Nghệ An triển khai chương trình Sữa học đường- Vì tầm vóc Việt với sự tham dự của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và nhiều lãnh đạo bộ ngành, địa phương. Chương trình hướng đến mục tiêu: Cung cấp 1 hộp sữa 180ml/ngày, 5 ngày/tuần cho toàn bộ 428.306 học sinh mầm non, tiểu học của tỉnh Nghệ An trong năm học 2015-2016.

Đây là chương trình lớn nhất trong các hoạt động đưa sữa đến trường học từ trước đến nay, nhằm cụ thể hóa đề án Sữa học đường của Chính phủ (được đề cập trong Quyết định 461/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030).

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại lễ triển khai: “Trẻ em lứa tuổi học đường ở Việt Nam, nhất là trẻ em từ 2 tới 12 tuổi có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi khá lớn, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, miền núi. Những ai từng đi tới các xã vùng 3 đặc biệt khó khăn đều lo ngại khi thấy những đứa trẻ lớp 4, lớp 5 nhưng vẫn nhỏ bé như học sinh lớp 1, 2 ở thành phố”.

Tính trung bình, chiều cao nam thanh niên Việt Nam hiện nay chỉ đạt 163,7cm, thấp hơn 13,1cm so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới và chiều cao trung bình của nữ Việt Nam là 153cm, thấp hơn 10,7cm so với chuẩn. So với thanh niên các nước trong khu vực như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, tầm vóc của thanh niên nước ta kém hơn. Đây là một vấn đề ảnh hưởng sâu sắc tới nguồn nhân lực tương lai của đất nước, cả về thể lực và trí lực.

Bộ trưởng Y tế (cùng nhiều đại biểu tại lễ triển khai) đều cho rằng, để cải thiện tình trạng này cần nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ. Và theo kinh nghiệm thế giới, giải pháp đột phá là cho trẻ dùng sữa hàng ngày.

Tiến sỹ Trần Thị Thanh Thanh nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam xúc động phát biểu: “Hàng trăm năm nay, người Việt có nhu cầu tha thiết làm sao để trẻ em cao hơn, khỏe hơn. Sữa học đường là giải pháp cơ bản, đột phá để thực hiện khát khao đó; đây cũng là cách để thực hiện quyền được chăm sóc, phòng chống suy dinh dưỡng, bệnh tật cho trẻ. Việc đầu tư vào con người từ thời thơ ấu cũng là cách tiếp cận khoa học; tạo sự công bằng, không phân biệt đối xử với trẻ em”. Vị lãnh đạo có uy tín cao trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em này cũng đề nghị Chính phủ sớm nhân rộng chương trình ra toàn quốc.

Phương án tổng hòa tình thương, trách nhiệm

Chương trình sữa học đường tại Nghệ An thực hiện theo phương thức: Miễn phí 100% cho học sinh thuộc hộ nghèo, gia đình người có công; hỗ trợ 50% cho học sinh hộ cận nghèo; 30% cho học sinh còn lại. Nguồn hỗ trợ được huy động từ: Ngân sách đóng góp 15%; đơn vị cung cấp sữa (trong trường hợp này là Tập đoàn TH với thương hiệu sữa TH true MILK) 10%; phần còn lại kêu gọi các tổ chức và cá nhân hướng về con trẻ.

Đại diện Tập đoàn TH (đơn vị đề xuất phương án này) cho hay, cách thức huy động đóng góp tổng hòa từ các bà mẹ, ngân sách (trung ương và địa phương) và cộng đồng xã hội như trên đang được nhiều tỉnh thành quan tâm và đề nghị kết hợp cùng TH thực hiện. “Ưu điểm của phương án này là trẻ có điều kiện khó khăn được hỗ trợ tối đa, trẻ thuộc diện bình thường cũng được hỗ trợ đến 30% để khuyến khích các bậc phụ huynh tham gia chương trình. Như vậy, trong nguồn sữa cho các em luôn có sự góp sức của cộng đồng; lớn lên các em sẽ biết ơn và sống có trách nhiệm với đất nước, với xã hội” - đại diện TH phân tích.    

Trẻ em trường tiểu học Nậm Cắn, ̣Kỳ Sơn, Nghệ An uống sữa học đường trong ngày khai trường 5/9/2015

Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT) cho rằng, với cách làm này, tài chính – vấn đề khó khắn nhất của chương trình Sữa học đường đã được xử lý một cách sáng tạo thông qua huy động được hầu hết nguồn lực xã hội. Ông Minh đề nghị, để nhân rộng, cấp Trung ương và địa phương cần lập quỹ sữa học đường (do Nhà nước và các doanh nghiệp đóng góp) để tạo ra nguồn lực thường xuyên.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Song Hà, đại diện tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO - cơ quan phát động chương trình sữa học đường cấp quốc tế, hiện có 40 nước tham gia) đưa ra khảo sát cho thấy, tâm lý xem sữa học đường là miễn phí phổ biến trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nhiều quốc gia, kể cả quốc gia phát triển cũng không bao cấp hoàn toàn. Chẳng hạn, tại Nhật Bản, nhà nước chỉ lo bữa ăn cho trẻ; còn sữa do các bà mẹ đóng góp kinh phí. Ông Hà đánh giá, phương án xã hội hóa, huy động đóng góp từ các bậc phụ huynh, có sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp như cách làm tại Nghệ An là rất khả thi.

Bà Trần Thị Thanh Thanh đề nghị, khi triển khai chương trình trên diện rộng cần sự thông suốt từ trung ương, các bộ ngành đến địa phương; đặc biệt cần tuyên truyền để các bà mẹ thấy được ý nghĩa quan trọng của ly sữa học đường đối với con trẻ.

Bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến:

Dùng sữa tươi để khuyến khích sản xuất trong nước

Bộ Y tế lo ngại sữa kém chất lượng tràn vào trường học. Vì thế, trong nội dung chương trình, chúng tôi đã soạn thảo xong quy định về tiêu chuẩn sữa học đường, làm từ sữa tươi nguyên liệu có bổ sung vi chất dinh dưỡng phù hợp với thể trạng trẻ em Việt Nam.. Với hơn 12 triệu học sinh mầm non, tiểu học trong cả nước sẽ cần hơn 87 triệu lít sữa tươi, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sữa tươi trong nước phát triển.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng:

Mong chương trình có thêm nguồn lực để triển khai toàn quốc

Sữa học đường là chương trình nhân văn, có ý nghĩa xã hội lớn lao. Ngân hàng Nhà nước rất mong mỏi, các em học sinh, đặc biệt là con em các gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình có công ở các vùng sâu, vùng xa tiếp tục nhận được sự tài trợ của cộng đồng xã hội.

Bên cạnh việc điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai các hoạt động an sinh xã hội; mong muốn đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội của đất nước.

Ngân hàng Nhà nước hưởng ứng chương trình và kêu gọi các tổ chức tín dụng tham gia; mong rằng chương trình Sữa học đường vì tầm vóc Việt có thêm nhiều nguồn lực tài chính hơn để có thể triển khai trên phạm vi toàn quốc.