“Vẽ” tranh dân gian Việt Nam bằng vũ điệu cổ điển
Đông Hồ là vở diễn mới do Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam dàn dựng và biểu diễn. Với thời lượng hơn 1 giờ trên sân khấu Nhà hát Lớn (Hà Nội), lần đầu tiên một tác phẩm múa bellet tái hiện lại 11 bức tranh Đông Hồ nổi tiếng như Hứng dừa, Đám cưới chuột, Đánh ghen, Vinh quy bái tổ, Lý ngư vọng nguyệt… Ở đó, nghệ thuật dân gian Việt Nam sẽ được sánh đôi với nghệ thuật cổ điển thế giới.
“Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam dàn dựng vở ballet Đông Hồ với mong muốn gắn kết và làm mới hơn nữa sợi dây kết nối giữa nghệ thuật hội họa truyền thống với nghệ thuật ballet cổ điển thế giới. Từ đây, công chúng sẽ không còn cảm thấy sự xa rời của nghệ thuật dân gian truyền thống, mà chúng đã và đang hiển hiện trong từng vũ điệu của thời đại”, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam Phan Mạnh Đức chia sẻ về ý tưởng của vở diễn.
Tác phẩm cũng là sự tiếp nối ý chí đưa nghệ thuật hàn lâm nói chung và ballet nói riêng đến gần hơn với công chúng nước nhà, mà bao năm qua Nhà hát Nhạc Vũ Kịch vẫn đang theo đuổi.
Bên cạnh đó, vở ballet còn có sự hòa quyện khéo léo giữa những hình ảnh văn hóa và tinh hoa của quê hương Việt Nam với âm nhạc hàn lâm thế giới thông qua tác phẩm Bốn mùa - New Four Seasons, bản giao hưởng do nhà soạn nhạc cổ điển đương đại Max Richter biên soạn lại từ bản gốc cùng tên của nhà soạn nhạc Antonio Vivaldi.
Vở ballet Đông Hồ có thiết kế trang phục, sân khấu tối giản, với sự hỗ trợ của hệ thống thiết bị công nghệ hình ảnh hiện đại nhằm đem đến hiệu quả thị giác bất ngờ cho khán giả. “Trong tất cả đêm diễn, toàn bộ Nhà hát Lớn đều được trang bị hiệu ứng đèn chiếu, không gian được thiết kế và tạo không khí như một bức tranh Đông Hồ, giúp kích thích mọi giác quan của khán giả. Đặc biệt khán giả không chỉ đơn thuần là người thưởng thức nghệ thuật mà còn được tương tác trực tiếp ngay trên khán đài”, ông Đức cho biết.
Để khán giả hiểu hơn về dòng tranh dân gian độc đáo của xứ Kinh Bắc, trước giờ biểu diễn vở ballet, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam còn tổ chức triển lãm tranh Đông Hồ, với sự góp mặt của nhiều nghệ nhân làm tranh. Khán giả không chỉ có cơ hội tìm hiểu các vật liệu, quá trình làm nên một tác phẩm tranh mà còn được trực tiếp tham gia tạo nên bức tranh Đông Hồ của riêng mình.
Sống và hoạt động nghệ thuật nhiều năm ở nước ngoài nhưng biên đạo múa Nguyễn Ngọc Anh cho biết, anh luôn đau đáu về văn hóa Việt Nam và luôn khao khát cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà.
“Dù sống ở nước ngoài, nhưng tâm hồn tôi vẫn là người Việt, vẫn muốn mang hồn Việt đến với nghệ thuật cổ điển nước ngoài, khiến công chúng vừa được đến với những chân trời mới của nghệ thuật mà vẫn giữ được niềm tự hào của văn hóa truyền thống dân tộc”, đó cũng là lý do đưa anh đến với Đông Hồ.
“Tôi muốn mang đến cho Đông Hồ một linh hồn mới, bằng nét vẽ mới, không phải chỉ là khuôn dập gỗ, hay những thiết kế trang phục, mà bằng ngòi bút sắc sảo tạo nên bởi đôi giày mũi cứng của người nghệ sĩ múa ballet”, anh nói.
“Không chỉ là những động tác khó…”
Chia sẻ về khó khăn khi xây dựng tác phẩm, biên đạo múa Ngọc Anh cho biết, việc mang tranh Đông Hồ lên sân khấu ballet không phải thách thức lớn. Thậm chí, chất liệu từ tranh Đông Hồ còn mang tới nhiều thuận lợi khi chuyển thể sang ngôn ngữ múa.
“Điều quan trọng nhất trong nghệ thuật múa là phải thể hiện được tính cách của nhân vật và nêu được ý nghĩa muốn truyền tải. Ở tranh Đông Hồ, mỗi tác phẩm đã mang câu chuyện riêng, giàu hình ảnh, rất rõ ràng về nội dung và các tuyến nhân vật, tính cách đặc trưng của từng nhân vật. Đó là một lợi thế với chúng tôi”, anh nhấn mạnh.
Điểm nhấn của Đông Hồ không tập trung ở phương pháp kể chuyện chi tiết, mà dẫn dắt người xem hướng đến sự tinh tế, giản dị được truyền tải một cách trừu tượng, mang tính cảm nhận nhiều hơn. Vì thế, biên đạo Ngọc Anh luôn yêu cầu các nghệ sĩ, diễn viên không chỉ trình diễn thông qua ngôn ngữ cơ thể mà còn bằng ánh mắt, cử chỉ, thần thái. Đang công tác chính tại Học viện Nghệ thuật Biểu diễn Hong Kong nên trong suốt thời gian 4 tháng tập luyện cho vở diễn, biên đạo Ngọc Anh chỉ có 3 tuần ở Việt Nam để trực tiếp hướng dẫn các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Thời gian còn lại, anh làm việc với ê-kip chủ yếu thông qua máy tính, điện thoại.
Chỉ còn vài ngày nữa là đến đêm công chiếu vở diễn. Thời gian này, các nghệ sĩ của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đang miệt mài tập luyện với mục tiêu mang đến cho khán giả những đêm diễn thăng hoa nhất. Vở diễn có tổng cộng 17 diễn viên với 12 nam và 5 nữ. Trong đó có nhiều nghệ sĩ múa hàng đầu của nhà hát như NSƯT Mai Thị Như Quỳnh, NSƯT Phan Lương, NSƯT Bùi Việt An và các nghệ sĩ trẻ tài năng như Thu Hằng, Đức Hiếu, Lệ Thanh… Các diễn viên không đảm nhiệm vai diễn cố định, mà có thể thay đổi theo từng nhân vật trong 11 bức tranh Đông Hồ được lựa chọn để tái hiện.
Với các các vở ballet thông thường, nhiệm vụ của các nghệ sĩ múa là phải hoàn thành tốt các động tác khó. Tuy nhiên, với Đông Hồ, điều đó chưa đủ. Nghệ sĩ múa Lệ Thanh chia sẻ, điều khó khăn nhất với các diễn viên là vừa phải đảm bảo yếu tố kỹ thuật, vừa phải kết hợp ăn ý, tạo sự duyên dáng của con người Việt Nam trong từng động tác trên đôi giày mũi cứng.
“Ballet cổ điển vốn có yêu cầu phải định hình, tạo dáng rất khắt khe, trong khi đó, yếu tố dân gian vẫn cần sự mềm mại uyển chuyển duyên dáng. Bởi vậy đôi khi, chúng tôi phải chia nhỏ các bộ phận trên cơ thể ngay trong một tư thế tạo dáng”, cô cho biết.
Những năm gần đây, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam luôn nỗ lực đưa nghệ thuật hàn lâm nói chung và ballet nói riêng đến gần hơn với công chúng Việt. “Đông Hồ” là tác phẩm nối tiếp sau thành công của vở ballet “Hàm lệ minh châu” lấy cảm hứng từ chuyện tình Mỵ Châu - Trọng Thủy với sự kết nối giữa truyền thuyết dân gian Việt Nam với vũ điệu ballet cổ điển phương Tây. Hàm lệ minh châu đã đạt giải Xuất sắc tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2022. Bởi vậy, không khó hiểu khi Đông Hồ được ê-kíp đầu tư công phu, hoành tráng với kỳ vọng tiếp tục “làm nên chuyện” sau khi công diễn vào đêm 22-23/3.