Khi hàng xóm cưới nhau - bài cuối: Giận lắm... thương nhiều

TP - “Hồi đó tui cứ ước mình thiệt mạnh mẽ để đánh lại “nó”, chớ bị nó chặn đường đánh liên tục, cay lắm. Rứa mà lạt lòng lạt dạ, nghe nó “dụ” thương nó đi tui cũng gật”, chị Nhung tếu táo.

Trong căn nhà nhỏ trên đường Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), vợ chồng anh Nguyễn Văn Hoà và chị Võ Thị Cẩm Nhung (34 tuổi) sống hạnh phúc cùng hai cậu con trai. Ít ai biết, câu chuyện bắt đầu từ hai đứa trẻ sinh ra cùng năm, đi học cùng lớp, lớn lên cùng nhau bên xóm nghèo nơi dòng sông Hiếu (TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị).

Suốt ngày bị đánh, tới ngày “bị” thương

Chị Nhung đưa tôi xem mấy tấm hình chụp chung với anh Hoà lúc mới yêu nhau và khi đã nên nghĩa vợ chồng. Anh trông hài hước, nhưng vẫn rõ vẻ chững chạc, đàng hoàng. Chưa kịp khen, chị xua tay: “Mới sau này thôi, hồi nhỏ “nó” là nỗi ám ảnh của tui đó”. Xóm anh chị ở bên dòng sông Hiếu, thuở ấy còn thưa người, thành thử trẻ con đứa nào cũng biết nhau. Quê nghèo, lũ trẻ suốt ngày bám lấy nhau đi tắm sông, lội ruộng, bắn bi…lăn lộn như trâu lấm bùn. Cùng trang lứa hồi đó được chục đứa, thân nhau, chị Nhung hoà thuận với cả nhóm, riêng với anh Hoà suốt ngày sinh chuyện. Chị nhớ như in, cứ hễ gặp nó giữa đường là nó chặn lại hạch sách, không thì bị giật tóc, nhéo tai, có hôm bị đánh tới tấp. Mà ấm ức nhất là mấy bận đi học về, nó núp sẵn trong bụi rồi thình lình nhào ra xô chị văng cái ùm xuống mương, ướt như chuột lột. Thấy mình bù lu khóc vậy, “thằng trời đánh” cũng không thèm đỡ còn ôm bụng lăn ra bờ mương cười.

“Cơn hận” ngày một lớn, chị chỉ ước một lần đánh lại được nó. Nó cũng chưa bao giờ “xuống tay” với chị xong mà xin lỗi. Chưa kịp “báo thù” thì nó lớn, tính nó đằm lại, ít đánh dần rồi bỏ luôn. Lên tới cấp 3 hai đứa học hai trường, ít chung đường với nhau hơn. Cô bé hàng xóm tới thì, tuổi 16, 17 đẹp như trăng tròn làm anh bạn mới lớn xuyến xao. Anh Hoà ngượng ngùng, nhớ lại lúc đó tự nhiên thấy “con bé Nhung” dễ thương quá, có chút hối hận vì cái nết lanh chanh ngày xưa của mình hay chọc nhây người ta. Lòng thì rối bời, miệng thì rối rắm, chẳng biết nói làm sao. Thế là anh tiếp cận đường vòng. Biết thừa chị Nhung không có xe đạp, ngày nào cũng canh giờ chị đi học liền lạng ngang qua nhà, vờ chảnh choẹ “ê đi không, chở đi!”. Được đi ké, chị mừng lắm. Cả một thời gian dài anh Hoà bỏ công chở chị tới tận trường THPT Lê Lợi, rồi mới quay về trường THPT Đông Hà anh học, mất mấy km. Mùa nắng đạp xe leo dốc bở hơi tai.

Anh Vợ chồng Anh Hoà, chị Nhung sống hạnh phúc với hai cậu con trai

Âm thầm thích và nỗ lực đón đưa vẫn không có kết quả vì “bé Nhung” ngô nghê không nhận ra. Chỉ thấy lạ là cái thằng này bữa nay nó tử tế với mình hẳn. Rồi mùa thi tốt nghiệp THPT cũng đến, lũ học trò cùng trang lứa trong xóm lo học ngày học đêm. Chị Nhung yếu mấy môn tự nhiên, anh Hoà được cớ ra oai, “lệnh”: ôm sách vở xuống nhà tao bày cho! Có biết gì đâu, chị lần nữa “sa lưới”, ngày nào cũng tất tả lao xuống nhà “thầy”, thầy chỉ cho chữ nào mừng chữ ấy. Sau kỳ thi đại học, anh vào Đà Nẵng, còn chị học trường cao đẳng ở quê. Đi xa thì nhớ, “bé Nhung” lại ngày càng đằm thắm dịu dàng. “Sợ thằng khác nó “bưng” mất nên tui tỏ tình”, anh Hoà hài hước. Ngờ đâu “bé” gật. Ra là cũng cảm nhận được anh thay đổi và quan tâm mình. Chị Nhung trải lòng rằng suốt ngày bị thằng nhỏ hàng xóm đánh, tới ngày lại “bị” nó thương và mình thương nó.

Làm hàng xóm…có bầu

Yêu trong xóm mà, ai biết thì xấu hổ chết. Anh chị bàn nhau giấu kín. Mỗi lần đi học xa về, muốn lên chơi anh phải rủ theo cả lũ bạn cùng xóm. Tụi nó lớn, tính đằm lại, chỉ lên hỏi han nhau rồi về chứ không “chà lết” sáng tới chiều như hồi trước. Thành thử anh chỉ gặp người thương được chút chút. Không cam tâm, anh chị hẹn hò đi chơi riêng, mà phải đường ai nấy đi ra khỏi xóm mới dám chở nhau. Nhưng vải thưa nào che được “camera hàng xóm”. Có người bắt quả tang nơi quán cà phê, có người thấy “hai đứa này cái màu khác khác”. Tin đồn tới tai phụ huynh, nhà chị Nhung lắc đầu, chỉ vì không muốn gả con cho người trong xóm. Phản đối quyết liệt nhất là bà nội, hễ thấy mặt “thằng Hoà” là lườm nguýt, thậm chí đuổi về. Chị Nhung hồi tưởng thời gian ấy cả hai như nghẹt thở vì chuyện tình trúc trắc, mấy lần nghĩ tới chuyện buông xuôi. Nhưng anh Hoà chẳng dễ dàng buông bỏ. Anh nửa thật nửa đùa, hay là mình “chơi lớn”, có bầu rồi cưới? Nghe “dụ” vậy, chị Nhung rợn da gà, vì nhà chị toàn con gái, chị lại là con đầu, ba mẹ mà biết mình “ăn cơm trước kẻng” thì xác định nhừ đòn. Nghĩ trăm phương ngàn cách, suy đi tính lại, thấy cách này liều nhưng có vẻ khả thi. Thôi quyết định chơi lớn!

Đôi bạn hàng xóm từng “gây thù chuốc oán” nhau nên nghĩa vợ chồng

“Lên kế hoạch hoành tráng vậy mà hôm cầm cái que nhảy lên hai vạch hai đứa tái mét, anh Hoà rúi nhùi luôn. Phần vì sợ, phần vì xấu hổ, dẫu sao cũng mang tiếng “làm hàng xóm có bầu” mà”, chị cười. Nhà anh Hoà và nhà chị chung xóm, cách nhau mấy bước, hôm lên báo tin, chân anh Hoà tưởng như nhấc không nổi. Như lời anh, đến tận bây giờ, đó là quãng đường nặng nề và áp lực nhất đời. May sao, nhà gái dù phản đối, một mực bảo không cho con gái cưới hàng xóm, nhưng nghe tin có bầu lại không nổi trận lôi đình. “Lúc đó bác sĩ bảo cưới, thì phải để tụi nó cưới thôi. Mình làm được gì khi nó mang một sinh linh trong người rồi”, bà Nguyễn Thị Hồng, mẹ chị Nhung nhắc chuyện cũ.

“Tôi nhớ mãi cái ngày đầu về làm dâu. Đêm ấy khóc quá chừng, chồng cười bảo có ai đi lấy chồng mà chạy ra đường nhìn lên là thấy ngay cha mẹ mình không mà khóc?”. chị Võ Thị Cẩm Nhung

Rạp đám cưới dựng lên, cả xóm được ngày vui vì hai đứa nhỏ suốt ngày hoạnh hoẹ nhau cuối cùng về chung một nhà. Mỗi chị Nhung thấy mình “thiệt thòi” vì không có xe hoa, phải cuốc bộ theo đoàn rước dâu sang nhà chồng. Lấy chồng gần không áp lực như chị và ba mẹ ngày xưa vẫn nghĩ. Bởi là hàng xóm với nhau, ba bên bốn bề đều biết, gây khó cho con dâu chỉ để người ta cười. Bây giờ, anh chị cùng hai đứa con đang sống trong căn nhà nhỏ trên đường Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Anh Hoà ngoài làm việc cho một hãng thời trang trẻ em, còn làm thêm nhiều lĩnh vực nữa. Chị Nhung bán hàng tiêu dùng, cuộc sống đủ đầy hạnh phúc. Chị nói mỗi lần về thăm quê, cứ chạy qua chạy về giữa hai nhà, muốn ngủ nhà nào thì ngủ, ba mẹ hai bên phóng khoáng, dễ chịu nên rất thoải mái. “Ai hỏi lấy chồng hàng xóm lợi không, chắc chắn sẽ rất lợi rồi. Nhà người ta biết mình từ lúc lọt lòng, mình cũng biết họ, chẳng mất công hoà nhập. Lợi nhất là đi làm dâu mà vẫn kề cạnh bên cha mẹ mình”, chị nghiệm ra.