Khi cây đang xanh bỗng... 'chết'

TP - “Bắt tươi” là thuật ngữ mới, được người dân ưa dùng, khi gần đây không ít cán bộ cấp cao ở Trung ương lẫn địa phương đã phải tra tay vào còng trong lúc đang ngồi trên chiếc ghế quyền lực mà không cần phải thông qua các thủ tục “lột lon” hay khai trừ như trước.

Điều đó cho thấy mức độ quyết liệt và quyết tâm cao hơn trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Cuộc đấu tranh đó không có vùng cấm và cũng không còn khái niệm “hạ cánh an toàn” đối với những cá nhân sai phạm, dù đã rời chức vụ từ lâu.

Cuối tuần qua, hai lãnh đạo cao nhất của tỉnh Vĩnh Phúc là Bí thư và Chủ tịch đã bị “bắt tươi”. Cùng thời điểm, Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi và một người tiền nhiệm cũng trở thành “củi tươi”.

Trước đó không lâu, trong các cuộc thăm dò, lấy phiếu tín nhiệm tại địa phương, các cá nhân bị “bắt tươi” này đều là những người có số phiếu tín nhiệm cao với tỉ lệ rất cao. Họ từng không ngừng rao giảng, dạy dỗ về đạo đức cách mạng, thậm chí không ngại răn đe cấp dưới để tỏ rõ tinh thần vô tư trong sáng, tận tụy, hết lòng vì dân vì nước phục vụ… của mình. Vì vậy, việc họ bỗng nhiên bị “bắt tươi” đã khiến quần chúng nhân dân không khỏi ngỡ ngàng, tựa như ngạc nhiên về cái cây đang “xanh” bỗng “chết”. Nhưng khi hiểu rõ nguyên nhân, người dân đã hết sức đồng tình với quyết định xử lý của các cơ quan chức năng, bởi đó là hậu quả tất yếu mà những quan tham phải đón nhận.

Oái oăm là, không riêng mình “chết”, các quan tham-những cái cây mục ruỗng còn khiến cho cả những cái cây đang thật sự xanh tốt bị vạ lây và chết oan.

Một lần, tôi đến một trung tâm Anh ngữ ở trung tâm TPHCM để đăng ký lớp học cho con. Trước sân Trung tâm có một hàng cây thẳng tắp. Điều lạ là, trong hàng cây có khoảng cách đều nhau đó, có một cây chen vào giữa khiến hàng lối bị xô lệch, không còn chuẩn chỉnh. Cái cây chen đó có vẻ như mới được trồng, dù độ cao của cây mới và cũ khá tương đồng. Tôi đến gần xem, tấm bảng gắn theo cây cho biết, đó là cây do Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo thời điểm đó trồng, có ngày, tháng năm trồng cụ thể. Một thời gian sau, khi vị tư lệnh ngành này bị kỷ luật và mất chức, tôi trở lại chỗ cũ, cái cây chen ngang cùng tấm bảng gắn kèm đã bay biến. Tôi dò hỏi, một bảo vệ không ngần ngại buông lời: “Nhổ bỏ rồi”.

Không ít cây xanh khác cũng trong tình cảnh bị nhổ bỏ, chặt phá hoặc chí ít bị xóa dấu tích, nếu người trồng là các quan chức, bị kết luận đã nhúng chàm. Vì vậy, ngay khi Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc bị bắt, dư luận đã tỏ ra băn khoăn về số phận hàng cây hoa ngọc lan do vị này trồng từ hai năm trước.

Trồng cây là để bảo vệ môi trường, và đó là hành động rất cần thiết của mỗi người. Song, với các quan chức hoặc ai đó, nếu muốn lưu danh bằng việc trồng cây thì phải ý thức một cách sâu sắc về việc tạo dựng, gìn giữ thanh danh của mình bằng sự thiện lương và liêm chính, tất nhiên không thể thiếu những nỗ lực tột bậc để cống hiến cho dân, cho nước. Trong trường hợp ngược lại, những thân cây dù đang xanh tốt nhưng cũng sẽ phải “chết” oan theo tiếng xấu và nỗi nhục muôn đời của những quan tham.

Đ.D