Ngày 16/12, một lãnh đạo HĐND tỉnh Khánh Hòa cho biết tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt 2 nghị quyết về tu bổ, gia cố, phục hồi Tháp Nam (thuộc di tích Tháp Bà Ponagar) và chỉnh trang khuôn viên di tích Tháp Bà Ponagar với tổng mức đầu tư hơn 20,4 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Khánh Hòa, hiện trung tâm thực hiện chỉnh trang khuôn viên và tu bổ, gia cố, phục hồi Tháp Nam của di tích Tháp Bà Ponagar. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 6,6 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn của trung tâm hơn 6 tỷ đồng và số còn lại ngân sách tỉnh.
Vị trí làm dự án là phần đất có các công trình phụ trợ của di tích bị giải tỏa để xây dựng bờ kè sông Cái (thuộc dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải - tiểu dự án Nha Trang).
Riêng dự án tu bổ, gia cố, phục hồi Tháp Nam có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 13,8 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn của Trung tâm hơn 13,2 tỷ đồng và số còn lại từ ngân sách tỉnh thực hiện từ năm 2023 -2025. Tháp Nam có chiều cao 18 m, có bộ mái tương đối lạ trong quần thể kiến trúc Tháp Bà Ponagar. Phần đế và thân của tháp vẫn được xây theo mô típ tháp Chăm truyền thống, nhưng phần mái được thu gọn lại thành một tầng chóp, kéo dài lên phía trên và đỉnh tháp đặt một trụ linga.
Tháp được xác định có niên đại thế kỷ XIII, là nơi được sử dụng thờ thần Shiva.
Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Khánh Hòa cũng cho biết Tháp Bà Ponagar đã qua một số lần tu bổ, sửa chữa nhưng đang dần xuống cấp theo thời gian. Hiện vách của tòa Tháp Nam đã bị nứt thấm dột, mủn gạch gây mất an toàn cho quá trình phục vụ du khách đến tham quan. Việc tu bổ sẽ dựa trên nền móng hiện trạng, không làm thay đổi kiến trúc, công năng sử dụng hiện có của công trình và khu đất.
Được biết, di tích Tháp Bà Ponagar có niên đại xây dựng khoảng từ thế kỷ VIII-XIII. Khu đền tháp có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tôn giáo, tinh thần của người Chăm, mỗi công trình chứa đựng những tinh hoa nghệ thuật của văn hóa Chăm.
Vào năm 1979, di tích Tháp Bà Ponagar được xếp hạng là di tích quốc gia.