Theo đó, anh hùng - liệt sĩ Trần Đức Thông được đặt tên mới cho đường A1 và anh hùng - liệt sĩ Trần Văn Phương được đặt tên cho đường A2. Đường Trần Đức Thông dài 430m, còn đường Trần Văn Phương dài 310m, thuộc phường Phước Hải, TP Nha Trang.
Anh hùng - liệt sĩ Trần Đức Thông (SN 1944, quê xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) hy sinh sáng 14/3/1988. Lúc hy sinh ông mang quân hàm trung tá, chức vụ Lữ đoàn phó, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 vùng 4 Hải quân. Ông là người trực tiếp có mặt trên tàu HQ-604 và chỉ huy các chiến sĩ chống lại quân xâm lược Trung Quốc vào sáng 14/3/1988.
Còn anh hùng - liệt sĩ Trần Văn Phương (SN 1965, quê xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) hy sinh sáng 14/3/1988. Lúc hy sinh ông mang hàm thiếu úy, phó chỉ huy đảo Gạc Ma.
Trong trận hải chiến sáng 14/3/1988, trung tá Trần Đức Thông chính là người trực tiếp ra lệnh cho thiếu úy Trần Văn Phương cùng 2 chiến sĩ Nguyễn Văn Tư và Nguyễn Văn Lanh đưa xuồng máy vào bãi cạn đảo Gạc Ma để bảo vệ cờ Tổ quốc. Trung tá Trần Đức Thông bị thương và hy sinh khi quân Trung Quốc bắn chìm tàu HQ-604.
Còn thiếu úy Trần Văn Phương bị trúng đạn ngã xuống hy sinh lúc cùng các đồng đội bảo vệ cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma. Năm 1989, trung tá Trần Đức Thông và thiếu úy Trần Văn Phương được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.
Trước đó, vào năm 2017, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã tổ chức khánh thành Tượng đài tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (ở thôn Thủy Triều, xã Cam Hải, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa).