Bà Đỗ Thị Hằng, SN 1953, trú tại phường Mỹ Độ, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang cho biết, vừa nhận được quyết định kháng nghị giám đốc thẩm bản án hình sự sơ thẩm 72/HSST ngày 24/3/1998 của TAND Bắc Giang.
Theo kháng nghị này, VKSND Tối cao đề nghị Tòa hình sự TAND Tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy bản án hình sự sơ thẩm nêu trên để điều tra lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
Theo bản án ngày 24/3/1998 của TAND tỉnh Bắc Giang, vào tháng 9/1994, lợi dụng việc chị Dương Thị Liễu (ngụ xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) mâu thuẫn gia đình, bỏ nhà đi nên Phạm Văn Ngọ và Hoàng Hồng lừa bán chị này sang Trung Quốc với giá 1,2 triệu đồng. Việc lừa bán chị Liễu sang Trung Quốc có vai trò của Đỗ Thị Hằng khi Hằng trực tiếp đưa Ngọ, Hồng và Liễu sang Trung Quốc. Hằng được chia 400.000 đồng. Khi vụ việc bị phát hiện, Đỗ Thị Hằng bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã; Ngọ và Hồng bị xét xử trước đó.
Cũng theo bản án, Đỗ Thị Hằng còn bị kết tội đã lừa anh Phan Văn Phương (ngụ cạnh nhà) 20 kg gạo và 400.000 đồng; vay của chị Khổng Thị Mỹ 300.000 đồng rồi chi tiêu hết, cố tình lẩn tránh không trả.
Bà Hằng bị TAND tỉnh Bắc Giang tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù giam về tội “mua bán phụ nữ” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngày 16/4/2002 bà được thả tự do sau khi chấp hành bản án tù.
Từ năm 2002 đến nay, bà Hằng đã làm đơn đến nhiều cấp có thẩm quyền để kêu oan bởi bà đã bị các cơ quan tố tụng Bắc Giang “bắt nhầm và truy tố nhầm”. Tuy nhiên, phải đến năm 2012, bà Hằng mới gặp được chị Dương Thị Liễu vì sau khi trở về từ Trung Quốc, chị Liễu đã đi làm ăn nhiều nơi. Quá sửng sốt trước sự nhầm lẫn trên của cơ quan chức năng, chị Liễu đã ra UBND xã Hoàng Vân, nơi mình cư trú làm một bản xác nhận, năm 1994 chị bị Ngọ và Hồng đưa đi Trung Quốc bán nhưng không hề biết bà Đỗ Thị Hằng là ai. Chị Liễu đề nghị cơ quan chức năng sớm minh oan cho bà Hằng và sẵn sàng chịu trách nhiệm về xác nhận của mình trước cơ quan pháp luật.
Theo quyết định của VKSND Tối cáo, các tài liệu trong hồ sơ vụ án thể hiện: Các nhân chứng có lời khai xác nhận khi đi tìm chị Liễu có vào nhà Phạm Văn Ngọ gặp vợ Ngọ là Nguyễn Thị Tám, bà Tám cho biết Ngọ một mình mang 'hàng' (phụ nữ) sang Trung Quốc. Tại giấy viết chia tiền của chị Dương Thị Liễu gửi về Việt Nam không thể hiện việc chia tiền cho Đỗ Thị Hằng và cũng chưa được giám định. Mặt khác, người phụ nữ tên Hằng lấy chồng Trung Quốc chưa được điều tra để làm rõ. Như vậy, việc kết tội đối với Đỗ Thị Hằng về tội “Mua bán phụ nữ” là chưa đủ căn cứ vững chắc.
Còn về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân”, kháng nghị của VKSND Tối cao lập luận: các khoản vay nợ của bà Hằng với chị Khổng Thị Mỹ (300 nghìn đồng) và anh Phan Văn Phương (400 nghìn đồng và 20 kg gạo) đều chỉ là các khoản vay bằng miệng, không có giấy xác nhận nên cần phải được làm rõ về số nợ trên. Đồng thời, phải chứng minh được động cơ, mục đích của Đỗ Thị Hằng, có dùng thủ đoạn gian đối nhằm chiếm đoạt tài sản của bà Mỹ và ông Phương hay không, hay chỉ là quan hệ dân sự.
Bà Hằng đau khổ cho biết, việc bà bị bắt giam, ngồi tù oan đã khiến gia đình bà tan nát. Trước ngày xét xử vụ án, ông Ngô Văn Mỹ, chồng bà Hằng đã để lại một bức thư tuyệt mệnh rồi nhảy xuống ao trước nhà tự tử. Sau khi bà Hằng phải ngồi tù, con gái bà bị lừa bán sang Trung Quốc, nay đang phải đối mặt với căn bệnh HIV/AIDS giai đoạn cuối. Ngoài chị Huệ, 4 người con khác của bà Hằng cũng đều chẳng ai thành người, lang thang, nghiện ngập, vào tù ra tội. Bản thân bà phải lang thang xuống Hà Nội vừa tìm việc vừa kêu oan nhiều năm nay.