Hình ảnh người dân sống nước Tây Nam Bộ chèo xuồng, lái ghe với chiếc khăn rằn phủ vai, đội đầu bay trong gió đã không còn xa lạ. Trong những năm kháng chiến vệ quốc, khăn rằn theo bộ đội tới những chiến thắng lẫy lừng, rồi trở về dịu dàng, hồn hậu trong cuộc sống thời bình. Giờ đây, khăn rằn Nam Bộ tiếp tục mang sự trẻ trung, năng động qua ngôn ngữ thời trang của các bạn trẻ yêu văn hoá truyền thống.
Mới đây, tại TP. Cần Thơ diễn ra sự kiện biểu diễn thời trang mang tên Rằn Fahsion Show.
Bộ sưu tập Rằn được lấy ý tưởng từ chiếc khăn rằn Nam Bộ kết hợp trên những kiểu dáng áo dài, áo bà ba dưới giai điệu Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài Lang...
Bên cạnh trình diễn bộ sưu tập thời trang khăn rằn còn có triển lãm khăn rằn. Triển lãm tái hiện các công đoạn để sản xuất ra một chiếc khăn rằn: khăn rằn dùng trong đời sống hàng ngày của người dân miền sông nước, khăn rằn trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc cũng bộ đội, du kích, kỷ vật của mẹ gửi con khi ra chiến trước...
Điểm nhấn tại triển lãm Rằn, là chiếc khăn rằn dài 109 m do nghệ nhân làng nghề choàng Long Khánh A (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) thực hiện. Chiếc khăn rằn dài 109 m được quấn quanh khu vực triển lãm, qua các không gian trưng bày từ lịch sử đến hiện đại.
Soạn giả Nhâm Hùng, Nhà nghiên cứu Văn hóa Nam Bộ đánh giá khi tới sự kiện, ai cũng có thể cảm nhận được tình cảm của các bạn sinh viên, thế hệ trẻ hôm nay cho khăn rằn. Chiếc khăn rằn là vật bất ly thân của người Nam Bộ dùng từ thời khẩn hoang, qua thời kháng chiến, đến trong sinh hoạt, lao động có tính chất lam lũ. Qua thời đại mới, chiếc khăn rằn được phục hồi với sức sống mới, sang trọng hơn, bước vào sân khấu thời trang đầy sắc màu và kiểu dáng.
Qua sự kiện, ông Hùng cho rằng sức sống của chiếc khăn rằn ngày càng mãnh liệt hơn, văn hóa khăn rằn nói riêng và văn hóa trang phục vùng sông nước Tây Nam Bộ sẽ đi xa hơn.