Khám phá khu chợ hoạt động vào lễ Ramadan của người đạo Hồi giữa lòng TPHCM

Ít ai biết rằng ở TP.HCM có một khu chợ đặc biệt của người đạo Hồi. Khu chợ này hoạt động sôi nổi chỉ 1 tháng trong năm, là lễ Ramadan. Tiểu thương bán đầy đủ các mặt hàng từ đồ ăn, thức uống đến hoa quả, quần áo.

Khu chợ đặc biệt mùa lễ Ramadan giữa lòng TP.HCM

Chợ nằm trong một khu nhỏ, trên con hẻm 157 Dương Bá Trạc (quận 8, TP.HCM).

Ông Haji Kim So - Giáo cả khu vực này cho biết, nơi đây có khoảng 2.500 người dân theo đạo Hồi sinh sống. Họ là những người dân di cư từ tỉnh An Giang lên TP.HCM, sống gần nhau, cùng nhau giữ gìn nét đẹp văn hóa, tôn giáo của mình.

Chợ người đạo Hồi nằm trong một khu nhỏ trên con hẻm 157, đường Dương Bá Trạc (quận 8). Ảnh: Thu Hoài

Theo Giáo cả, các khu vực của người đạo Hồi sinh sống thường được treo những dây có cờ đỏ sao vàng, và cờ xanh (tượng trưng cho đạo Hồi). Chỉ cần đi vào khu vực có treo cờ, mọi người sẽ cảm thấy như đang lạc vào một cộng đồng người đạo Hồi thu nhỏ.

Cờ dây biểu tượng cho khu vực của người đạo Hồi sinh sống. Ảnh: Thu Hoài

Một trong những dấu ấn đậm chất văn hóa của đạo Hồi chính là lễ Ramadan. Ramadan là tháng thứ 9 theo lịch âm của người Hồi giáo, còn gọi là tháng nhịn ăn.

Trong suốt một tháng lễ, tín đồ đạo Hồi không ăn, không uống, không hút thuốc và không được đưa bất kể thứ gì vào miệng đến trước khi mặt trời lặn. Đến 18 giờ 10, người dân bắt đầu xả chay, và được ăn uống bình thường.

Khu chợ nằm trên con hẻm nhỏ nên chỉ phục vụ đồ ăn mang về. Ảnh: Thu Hoài

Năm nay, lễ Ramadan diễn ra từ 10/3-10/4. Thời điểm này cũng là lúc khu chợ nhỏ của cộng đồng người đạo Hồi hoạt động sôi nổi nhất.

Khu chợ bán đa dạng các món ăn từ chè, bún, các loại bánh chiên, bánh ngọt, nước uống… Không chỉ người đạo Hồi mà còn có nhiều người dân từ nơi khác đến mua.

Từ 14h, tiểu thương bắt đầu dọn thức ăn ra bán. Ảnh: Thu Hoài

Bà Hadi Mad, tiểu thương khu chợ cho biết từ 14 giờ, các quầy buôn bán bắt đầu mở. Đến 16 giờ, khu chợ bắt đầu tấp nập.

“Theo phong tục, người theo đạo phải nhịn ăn từ sáng đến lúc mặt trời mọc. Họ mua đồ ăn về, và dùng sau 18 giờ 10”, bà Hadi Mad nói với Dân Việt.

Các món bún nước được cho vào túi nilon và chỉ bán mang về. Ảnh: Thu Hoài

Buôn bán tại khu chợ này hơn 30 năm, bà Mat Sah cho biết, lễ Ramadan là một ngày lễ đặc biệt của cộng đồng người đạo Hồi. Tất cả mọi người thực hiện nghi lễ này để thể hiện sự thông cảm với người nghèo, rèn tính tiết chế, chống lại cám dỗ vật chất.

“Từ ngày lễ Ramadan bắt đầu, khu vực này lúc nào cũng đông đúc vào buổi chiều. Những ngày này còn có nhiều khách du lịch đến ghé thăm, quay phim. Đồ ăn ở đây cũng khá rẻ, dao động từ 10.000-30.000 đồng/phần”, bà Mat Sah nói thêm.

Lễ Ramadan từ lâu đã thành một nếp văn hóa không thể thiếu của người Hồi giáo. Ảnh: Thu Hoài

Trong suốt tháng Ramadan, anh Zaman Nuri luôn thực hiện đúng nghi lễ nhịn ăn. Gia đình anh di cư từ An Giang lên khu này sống đã hơn 10 năm. “Đến đúng buổi, tôi chỉ cần mua vài chiếc bánh là có thể dùng cho một buổi tối”, anh Zaman nói.

Nhiều mặt hàng khác nhau được bán tại chợ. Ảnh: Thu Hoài

Không chỉ có thực phẩm, khu chợ này còn bán quần áo, phụ kiện cho người theo đạo Hồi. Ông Ca Rim (55 tuổi) được cộng đồng giúp đỡ, tạo điều kiện cho ăn ngủ tại thánh đường mỗi khi lên TP.HCM bán đồ.

Cứ đến lễ Ramadan, ông từ An Giang lên TP.HCM bán quần áo, phụ kiện. Mỗi món chỉ từ 30.000-70.000 đồng. Người mua chủ yếu là người đạo Hồi sống trong khu vực này. "Tôi thấy vui khi được buôn bán, giao lưu, hòa mình trong không khí mùa lễ của cộng đồng”, ông Ca Rim nói.

Nhóm bạn trẻ thích thú trải nghiệm ngày lễ Ramadan ngay tại Sài Gòn. Ảnh: Thu Hoài

Khu chợ này còn thu hút nhiều bạn trẻ Sài Thành đến trải nghiệm mua sắm.

Anh Bùi Nguyễn Văn Nguyên từng đến An Giang du lịch và ấn tượng với khung cảnh cộng đồng người theo đạo Hồi cùng nhau tổ chức ăn uống vào buổi tối trong dịp lễ Ramadan. Khi biết tin về khu chợ này, anh nhanh chóng rủ các bạn đến.

"Tôi thật sự không biết rằng có một cộng đồng người đạo Hồi sinh sống, cùng gìn giữ phong tục tập quán giữa chốn Sài Gòn này. Tôi bị thu hút bởi nghi lễ độc đáo và cùng nhóm bạn đến khu chợ này để vui chơi”, anh Nguyên nói.