Khai sinh dàn nhạc đại diện Đông Nam Á

TP - Nếu bạn yêu nhạc, muốn tìm kiếm một thứ chưa từng có nhưng dễ nghe, dễ cảm thì Đêm vô thức bản địa với dàn nhạc Seaphony chính là chọn lựa tối ưu. Dàn nhạc có một không hai do người Việt sáng lập vừa có buổi diễn ra mắt nhiều cảm xúc tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đẹp đến rớt nước mắt là thực tế đã xảy đến với nhiều khán giả có mặt trong đêm ấy…
Về hình ảnh, Seaphony bắt mắt vì sự phong phú của trang phục nhạc công. Ảnh: N.M.Hà.

Làm khán giả rung động không chỉ vì tinh chất ban sơ của nhạc dân tộc thiểu số mà còn vì vẻ đẹp quá mong manh, có thể biến mất bất cứ lúc nào trong làn sóng hiện đại hóa, toàn cầu hóa. Seaphony đến như một neo hy vọng mọi thứ đừng biến mất quá nhanh, quá… lãng xẹt chăng?!

Đêm vô thức bản địa dễ bị lầm tưởng là một chương trình biểu diễn nghệ thuật đương đại nào đó nếu không có Nguyễn Nhất Lý ở vị trí giám đốc dự án. Vì đó cũng là cái tên đứng sau chương trình đã được bảo chứng cả về nghệ thuật và thương mại như Xiếc làng tôi hay À ố show lưu diễn tưng bừng trong ngoài nước mấy năm qua.

Chỉ trong một năm, Nguyễn Nhất Lý và ê-kip  làm nên một Seaphony quả là khó tưởng tượng. Thực tế, đại đa số thành viên dàn nhạc còn chưa biết chữ, nói gì đến nốt nhạc. Seaphony hiện là dàn nhạc đầu tiên và duy nhất sử dụng hoàn toàn nhạc cụ của các tộc người thiểu số với chừng 50 nghệ nhân tuyển chọn khắp các vùng miền tổ quốc. Điều này chưa từng xảy ra ở Việt Nam. Ngoài dàn nhạc giao hưởng phương Tây, chúng ta mới thành lập được dàn nhạc dân tộc biên chế theo kiểu giao hưởng, song vẫn phải dùng thêm các nhạc cụ phương Tây như cello, hay cả guitar bass. Dàn nhạc dân tộc (Kinh) này chủ yếu cũng hòa tấu dựa trên hòa âm phối khí kiểu phương Tây. Có một lần tôi được xem cố nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo sáng tác và chỉ huy dàn nhạc này, nhưng sử dụng các thủ pháp đương đại (không dựa trên hòa thanh phương Tây) tạo nên một không gian âm nhạc khác cũng khá hấp dẫn.

Đương đại lại không phải hướng đi của Seaphony. Nó đơn giản tận dụng các chất liệu âm nhạc nguyên gốc, kết nối ý đồ tạo thành tác phẩm. Các tác phẩm được sắp xếp thành hơn một tiếng biểu diễn liền mạch. Người xem không bị nhàm chán, mỗi phần lại khám phá những nhạc cụ khác, chất liệu khác, cảm xúc khác. Xen kẽ múa đương đại. Nhạc sĩ Ngọc Đại, ngoài sáng tác còn làm nhạc công mõ. Thực ra ông chỉ chơi một phát duy nhất khi đá cái mõ trâu - kết thúc màn múa do 2 vũ công thể hiện sự đấu tranh và hợp nhất giữa hai khía cạnh kiểu như truyền thống và hiện đại, nguồn cội và phát triển…

Thực ra các chất liệu dân tộc - mà nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Tiến gọi là tinh chất ngàn năm - chỉ cần đặt vào đúng khung cảnh, cho nó một chất lượng âm thanh trung thực là đủ. Nhưng Seaphony đã làm được hơn thế. Đỗ Bảo - người đóng góp tác phẩm tên Bỗng - cho biết về công việc của mình: “Nói là tác phẩm dàn dựng chính xác hơn. Ở đây yếu tố sắp đặt nhiều hơn sáng tác”. Nghĩa là các nhạc sĩ sẽ nghe tất cả những bài hát, đoạn nhạc nguyên gốc mà các nghệ nhân còn lưu giữ lại được, từ đó chọn ra những chất liệu phù hợp cho tác phẩm của mình.

Một nghệ nhân người Lào ở Lai Châu ví von âm nhạc dân tộc thiểu số như đang ở trong “bóng tối mịt mù”, không có người tập hợp, gây dựng. Từng tham gia biểu diễn 2 lần tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, ông khẳng định: “Cũng vui nhưng chưa bằng của ông Lý tổ chức!”. Seaphony tạo được sân chơi cho các nghệ nhân, khiến họ bớt cô đơn. Họ không chỉ thêm một lần được thấy âm nhạc của mình được vang lên với chất lượng cao mà còn được hòa nhịp với những dân tộc khác, chất liệu khác trong cùng một không gian, một tác phẩm.

Y Cel Niê (Đắc Lắc) ngoài đóng góp tác phẩm còn chơi chiêng, tak ta, đinh kle, tù và, ki păh và hát. Anh bảo: “Khi âm hưởng của dân tộc mình quyện vào âm hưởng một dân tộc, mình cảm thấy rất hạnh phúc. Nó không ảnh hưởng gì về truyền thống. Nghệ thuật của mình phải phát triển lên hòa nhập với các dân tộc khác”.

 Mục tiêu quốc tế hóa

“Sea” trong Seaphony là viết tắt của Đông Nam Á. Tên của dàn nhạc thể hiện “tham vọng” hình thành một dàn nhạc Đông phương đối trọng với Tây phương. Sao cho nếu symphony Tây là mặt trời thì seaphony ít ra cũng xứng mặt trăng. Nguyễn Nhất Lý thuyết minh: “Vì người Thái, Mông, Jrai, Ê-đê… không chỉ sống trên mảnh đất hình chữ S này mà họ có mặt từ Nam Trung Hoa cho tới Thái Lan, Miến Điện, Indonesia, Malaysia...”. Kế hoạch của Seaphony trong hai năm tới: Mỗi quý sẽ mời nghệ nhân của 2 nước Đông Nam Á cùng chơi nhạc. Sao cho đến hết 2019, “cái phôi” (từ của Nhất Lý) của Seaphony được thành hình.

Xuất phát điểm của Seaphony có thể tạm so với dàn nhạc giao hưởng phương Tây vài thế kỷ trước. Theo Nguyễn Nhất Lý: “Về mặt tổ chức rõ ràng chúng ta còn quá mông muội. Ngược lại điều này cho ta một cơ hội. Giống như mỏ vàng trữ lượng rất lớn còn chưa được khai thác. Các bạn nghe nhạc cụ âm sắc rất đẹp, không cần phải so sánh với bất cứ nhạc cụ gì trên thế giới. Vấn đề bây giờ chỉ là làm sao chơi với nhau, hòa sắc cùng nhau…”. Và điều đáng mừng là ngay ở bước chập chững đầu tiên, dàn nhạc đã nhận được những tràng vỗ tay nồng nhiệt hiếm có. 

Thành lập một thiết chế âm nhạc hoàn toàn mới là việc lớn. Nhưng cho dù nó là việc của trăm năm hay ngàn năm đi nữa thì cũng phải có một bước khởi đầu. Đúng như tâm sự của Ngọc Đại: “Tôi muốn nói với các bạn trẻ, đây là việc của các bạn. Tôi nói với người già thế hệ tôi, chẳng có gì là muộn. Tất cả mọi việc đều phải bắt đầu. Tôi muốn các nghệ sĩ, những người có trách nhiệm, nhà quản lý hãy bắt đầu. Tôi năm nay 73 tuổi rồi nhưng tôi nghĩ tôi bắt đầu trẻ”.

“Đây là một ý tưởng táo bạo, có vẻ bất khả thi. Nhưng qua buổi diễn đầu tiên, tập thể đó đã chứng minh điều ngược lại. Bước đầu như vậy đã đạt được kết quả. Thậm chí xét khía cạnh nghệ thuật, nó đang có hàm lượng nghệ thuật cao nhất trong tất cả các chương trình trong độ 10 năm trở lại đây. Họ phải lao động cả năm trời, làm những việc chả ai làm… Còn việc đi tiếp của dàn nhạc thế nào, mình không thể chắc được. Mình chỉ có thể chờ đợi thôi.

Nhưng nếu có sự đầu tư đích đáng về tiền bạc, chất xám, công sức và thời gian, chưa biết chừng họ sẽ làm được việc lớn hơn chương trình vừa rồi. Tôi luôn đặt vấn đề với anh Nhất Lý, phải khoa học hóa, văn bản hóa để thống nhất cách chơi, đồng thời chuẩn hóa nhạc cụ thì dàn nhạc mới đi xa được. Những việc này là rất khó, cực tốn kém. Còn khả năng con người của mình thì làm được”.       

 Nhạc sĩ Đỗ Bảo