Mọi sự theo dõi sẽ đổ dồn vào Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khi ông phát biểu tại phiên đầu tiên của Đối thoại Shangri-la vào tối nay.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, một vị tướng xuất thân từ học giả, sẽ có cơ hội để đưa ra tuyên bố đầu tiên và hy vọng là toàn diện nhất về chính sách an ninh – quốc phòng Mỹ đối với châu Á – Thái Bình Dương kể từ khi ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, câu hỏi đối với Tướng Mattis là liệu bài phát biểu của ông có đáp ứng được kỳ vọng, sau khi việc bổ nhiệm các vị trí cấp cao tại Lầu Năm góc đang bị trì hoãn. Một số đồng nghiệp của ông trong Nội các Mỹ đã phạm sai lầm.
Phát biểu tại một hội nghị của NATO tại Brussels gần đây, Tổng thống Trump đã không nhắc lại những cam kết của Washington đối với cam kết tương trợ quốc phòng của nhóm, từ đó làm dấy lên lo ngại về quyết tâm của Mỹ trong việc duy trì trật tự toàn cầu sau Thế chiến 2.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lỡ nói rằng Mỹ sẽ làm việc với Trung Quốc bằng cách nhắc lại những cụm từ của chính Trung Quốc là “không đối đầu”, “tôn trọng lẫn nhau” và “hợp tác cùng thắng”. Tại Hội nghị an ninh Munich gần đây, Tướng Mattis thậm chí không trả lời các câu hỏi.
Đối thoại Shangri-La là diễn đàn quốc tế của các quan chức an ninh quốc phòng, vì thế từng thông điệp được nói ra sẽ được đại diện các nước tham gia theo dõi kỹ càng.
Trung Quốc tham gia ở cấp thấp hơn
Giới quan sát nhấn mạnh rằng Trung Quốc năm nay cử đại diện cấp thấp hơn tham gia. Đây là lựa chọn của Trung Quốc chứ không phải đơn vị tổ chức. Phái đoàn Trung Quốc sẽ do Trung tướng Hà Lôi, Viện phó Viện Khoa học quân sự, dẫn đầu. Lần cuối cùng Trung Quốc cử quan chức cấp này tham dự là năm 2012.
Năm 2011, Trung Quốc cử bộ trưởng quốc phòng. Trong giai đoạn 2007-2009 và 2013-2016, phái đoàn Trung Quốc do một quan chức cấp phó tổng tham mưu dẫn đầu.
Ban tổ chức Đối thoại Shangri-La không có nỗ lực nào nhằm thuyết phục Trung Quốc cử đại diện cấp cao hơn. Quân đội Trung Quốc nhấn mạnh họ phải tập trung triển khai các biện pháp cải cách toàn diện mà Chủ tịch Tập Cận Bình yeu cầu.
Thực sự năm nay là năm quan trọng với Trung Quốc khi nước này sẽ tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 19 vào tháng 8. Trung Quốc sẽ một quan chức quân đội phát biểu tại tất cả 4 phiên họp đặc biệt quy mô nhỏ hơn để nói về những chủ đề như mối nguy hiểm hạt nhân và các biện pháp tránh xung đột trên biển.
Quân đội Trung Quốc hứa sẽ cử phái đoàn do một tướng 4 sao của Quân ủy trung ương tham dự Đối thoại vào năm sau.
Trọng tâm của Đối thoại năm có thể sẽ nghiêng về Mỹ nhiều hơn Trung Quốc.
Trong vài năm qua, đại diện Trung Quốc hứng hàng loạt câu hỏi, từ vấn đề quân sự hóa đến các hoạt động trên biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh năm nay có vẻ sẽ ít hứng “sóng gió” hơn vì Mỹ. Khi chính quyền của Tổng thống Trump đề ra những phương châm hướng nội, Trung Quốc đang đẩy mạnh hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực, và vừa tổ chức một hội nghị Một Vành đai, Một con đường tại Bắc Kinh trong tháng trước. Hội nghị này thu hút nhiều nước, trong đó có cả các đồng minh của Mỹ, tham dự.
Sau cú thua vì phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế tại La Hay về vụ kiện trên biển Đông mà Philippines đưa lên, Trung Quốc có vẻ đang thu mình hơn trên các căn cứ quân sự ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Trên bán đảo Triều Tiên, trọng tâm đang đổ dồn vào các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng cũng như việc Trung Quốc không có khả năng kiềm chế nước láng giềng cùng phe.
Những vấn đề này dự kiến sẽ trở thành chủ đề nóng trong năm nay. Đối với những vấn đề khác như an ninh mạng và chủ nghĩa khủng bố, các bộ trưởng có thể sẽ kêu gọi đẩy mạnh hợp tác khu vực.
Đoàn Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La 2017 do Trung tướng Nguyễn Đức Hải, Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng, dẫn đầu. Tổng thư ký Asean Lê Lương Minh dự kiến có bài phát biểu trong phiên toàn thể ngày 4/6 về chủ đề tìm kiếm tiếng nói chung trong vấn đề an ninh khu vực.