Vé máy bay sắp hạ giá:

Khách đặt mua trước khó được hoàn tiền

TP - Giá vé máy bay tới đây sẽ hạ nhưng hành khách đã mua vé trước khó có khả năng được hoàn lại tiền.

Trao đổi với Tiền Phong ngày 25/12, Cục phó Hàng không Lưu Thanh Bình cho biết, vẫn chưa xây dựng xong khung giá trần chi tiết cho từng chặng bay nên chưa thể công bố giá vé máy bay sẽ giảm ra sao.

“Chúng tôi đang tập trung làm sớm nhưng vẫn chưa thống nhất được với hãng hàng không” - ông Bình nói.

Theo quy định mới đây của Bộ Tài chính, trần giá vé máy bay hạng phổ thông đối với các đường bay còn yếu tố độc quyền được giảm từ 5.000 đồng/hành khách/km xuống 4.250 đồng từ ngày 1/1/2015. Tuy nhiên, việc tính giá trần không đơn giản là nhân chi phí mỗi km với chiều dài quãng đường bay (theo những người trong lĩnh vực hàng không, lý do là chặng ngắn, máy bay thấp, gặp nhiều mây sẽ tốn nhiên liệu hơn nên phải tính khác chặng dài). Theo đó, như thường lệ, dựa trên quyết định mới của Bộ Tài chính, Cục Hàng không nghiên cứu, ban hành khung giá trần cho từng loại chặng bay.

Lãnh đạo các hãng hàng không và các cơ quan chức năng cho biết, giá vé máy bay thời gian qua còn cách xa trần cũ nên khó có khả năng đụng trần mới. Chẳng hạn, giá trần hiện nay trên chặng Hà Nội – TPHCM là 3,4 triệu/vé. Nhưng ngay cả thời điểm 27 Tết Ất Mùi sắp tới, ở chiều đông khách (từ TPHCM ra Hà Nội), Vietnam Airlines bán vé hạng phổ thông ở mức 2,87 triệu (3,28 triệu đồng cả thuế và phí).

“Chúng tôi đang lên phương án. Thực ra, chúng tôi cũng đã giảm giá vé bằng cách bán nhiều loại vé khác nhau. Vé khuyến mãi, vé bán xa ngày với giá rẻ cũng là một cách giảm giá” - ông Dương Trí Thành, Phó TGĐ Vietnam Airlines cho hay.

Tuy nhiên, nhiều hành khách đang thắc mắc về tình huống: Quy định của Bộ Tài chính có hiệu lực từ 1/1/2015, với các hành khách đã mua vé nhưng bay sau ngày đó liệu có được hoàn lại tiền? Hiện, nhiều hành khách có thói quen mua vé từ nhiều tháng; đặc biệt, vé Tết Ất Mùi cơ bản được bán gần hết với giá gần kịch trần nên số lượng khách gặp tình huống này không hiếm. 


Chẳng hạn, chặng Hà Nội - Vinh có độ dài khoảng 300 km. Nếu tính theo chi phí mới được Bộ Tài chính thông qua (4.250 đồng/km) thì vé chặng này chỉ ở mức hơn 1,2 triệu đồng/người trong khi vé Tết trên chặng này được bán với giá 1,55 triệu đồng (1,835 triệu đồng/vé, tính cả thuế). Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho biết, hành động mua vé bản chất giống như ký hợp đồng kinh tế, tức là đã có ràng buộc về giá. 

“Trường hợp chi phí tăng, hãng không thể thu thêm tiền của khách. Ngược lại, đã mua vé, khi chi phí giảm, khách cũng không thể đòi giảm giá. Đó là nguyên tắc. Tuy nhiên, quyết định tùy thuộc vào các hãng”. Ông Lưu Thanh Bình cũng cho biết, quyết định tùy thuộc vào hãng hàng không; nếu tình hình căng thẳng, Cục mới có ý kiến.

Theo Cục Hàng không, giá loại nhiên liệu bay hiện ở mức 90,63 USD mỗi thùng, thấp hơn 43% so với giả định 130 USD trong phương án tính toán trần giá vé máy bay nội địa trước đây. Trong khi đó, xăng dầu chiếm 38-45% chi phí dịch vụ.