Kiên quyết sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm
Do mưa lớn, tại Quảng Nam, hồ nước Rôn (xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My) dung tích 1,1 triệu m3, đập cao 21,5m dài 111m tràn xả lũ tự do ngưỡng (+108) m, rộng 30m. Theo báo cáo, trong hai ngày 4 và 5/11, tổng lượng mưa trong khu vực hồ là 1.215 mm. Rạng sáng 6/11, hồ nước Rôn bị vỡ tràn xả lũ, hiện đã xói đến nền đá gốc ở cao trình (+101) m. Mực nước hiện tại hạ xuống đến cao trình vết vỡ. Huyện Bắc Trà My đã di dời 250 hộ dân ở hạ du, không có thiệt hại về người.
Trong khi đó, tại Khánh Hoà đã triển khai hạ mực nước, xử lý sự cố sạt lở mái thượng lưu đập của 2 hồ Đá Bàn và Tiên Du. Lực lượng chức năng đã xếp rọ đá phía chân, lát lại đá ở mái đập, chờ hết mùa mưa lũ sẽ sửa chữa triệt để những vị trí sạt trượt.
Về sự cố điện, theo báo cáo nhanh, dự kiến Khánh Hoà đến 9/11 mới khắc phục được hoàn toàn về lưới điện. Còn tại TT -Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, đã chủ động cắt điện một số nơi bị ngập để đảm bảo an toàn.
Mưa lũ lớn đã gây ngập, sạt ở nhiều tuyến đường ở các tỉnh vùng lũ. Tại Quảng Nam và Đà Nẵng, trên Quốc lộ 1 có 3 điểm với tổng chiều dài 10,8 km bị ngập sâu 0,4-1m, tắc đường hoàn toàn. Cũng ở hai địa phương trên, tại đường mòn Hồ Chí Minh sạt taluy dương tại Km 1497; đường Trường Sơn Đông 2 điểm với tổng chiều dài 4km cũng bị sạt taluy dương gây tắc đường. Các cơ quan chức năng đang chốt chặn đảm bảo giao thông, ngăn chặn sự cố đáng tiếc xảy ra.
Cùng đó, nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ở Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum cũng bị ngập, sạt gây tắc giao thông. Với đường sắt, khu vực Hảo Sơn - Đại Lãnh (Đèo Cả) tỉnh Phú Yên chưa thông tuyến. Hiện Tổng Cty Đường sắt Việt Nam tổ chức chuyển tải hành khách bằng ô tô qua khu vực này và đang khẩn trương sửa chữa, dự kiến thông đường trước ngày 9/11.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to đến rất to, gây ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng ở vùng trũng thấp tại các tỉnh từ TT-Huế đến Quảng Ngãi.
Mưa lớn trong nhiều ngày, hàng nghìn hồ chứa ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên đầy nước, trong khi lưu lượng nước về các hồ chứa vẫn tiếp tục bổ sung, nên nguy cơ cao gây mất an toàn cho các hồ chứa xung yếu tại các tỉnh trên.
TT-Huế: Lũ chồng lũ, 12 người chết, 20 người mất liên lạc
Mưa lớn vẫn không ngớt trên địa bàn TT-Huế cho đến chiều tối 7/11. Các hồ chứa cấp tập xả lũ khiến đồng bằng ngập nặng, lũ các sông lớn đều xấp xỉ mức báo động 3. Đây là cơn lũ lớn tiếp theo chồng lên trận lũ đầu tháng 11/2017, làm 9 người chết, 3 người bị thương, 20 người đi rừng vẫn mất liên lạc…
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh TT- Huế cho biết, trong ngày 7/11 đã phát công điện khẩn yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục sơ tán, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm trước tình hình lũ chồng lũ.
Nước trên các sông vừa rút nhẹ vào chiều 6/11 lại dâng cao. Trong ngày 7/11, mức nước lũ trên sông Hương và sông Bồ đều xấp xỉ báo động 3. Nhằm chủ động ứng phó với thời tiết mưa lũ diễn biến phức tạp, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh TT-Huế yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế, các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đặc biệt là các vùng trũng, ven sông, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; tổ chức tự quản tại chỗ để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn tiếp tục được triển khai sẵn sàng ứng cứu dân; địa phương, người dân cần tổ chức dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, ngành điện phải đảm bảo an toàn lưới điện...
Theo ghi nhận của PV, đến chiều tối 7/11, nhiều phường, xã tại thành phố Huế và các huyện, thị xã lại tái diễn tình trạng chia cắt do lũ lớn tràn về nhanh. Các tuyến đường lớn độc đạo nối hai huyện miền núi Nam Đông, A Lưới như Quốc lộ 49A, Tỉnh lộ 14B chưa xử lý xong sạt lở, nay lại bị đất đá vùi lấp kín, gây ách tắc giao thông kéo dài.
Đặc biệt, tại tuyến Quốc lộ 49A lên A Lưới, đường sá bị sạt lở nghiêm trọng ở gần 20 điểm, tại những đoạn đèo cua hiểm trở, gây chia cắt giao thông, nhiều người dân từng mắc kẹt phải nhờ lực lượng chức năng đến giải cứu… Đất, đá, cây rừng đổ ập xuống phủ kín mặt đường, chặn lối quốc lộ. Sạt lở nghiêm trọng nhất tại vị trí Km 55, 71, 72... qua xã Sơn Thủy và Hồng Vân (huyện A Lưới). Mặt đường tại đây bị đứt gãy nguy hiểm. Còn tại Tỉnh lộ 14B lên huyện vùng cao Nam Đông, mưa lũ cuốn theo lượng đất đá rất lớn bồi lấp 5 đoạn đèo La Hy.
Ở tuyến bờ biển TT-Huế, các đợt thiên tai liên tiếp vừa qua đã gây sạt lở, xâm thực nghiêm trọng hơn 10km đê, bờ biển. Sạt lở chủ yếu xảy ra ở các tuyến đê bảo vệ và dải bờ biển các xã Quảng Công (huyện Quảng Điền), thị trấn Thuận An, xã Phú Thuận, Phú Diên, Phú Hải, Vinh Thanh (huyện Phú Vang), xã Vinh Hải, Vinh Hiền (huyện Phú Lộc). Trong đó, sạt lở nặng nhất là đoạn qua xã Phú Thuận, với chiều dài hơn 2km; đê biển xã Vinh Hải, với chiều dài hơn 2,5km. “Chúng tôi vừa đi khảo sát toàn tuyến bờ biển của tỉnh, có đến 30 điểm sạt lở. Đặc biệt là vùng biển Vinh Hải bị sạt lở rất nặng, có nguy cơ mở một cửa biển mới”, ông Phan Thanh Hùng cho biết.
Tính tới chiều tối 7/11, tỉnh TT-Huế có 9 người chết, 3 người bị thương do mưa lũ liên tiếp đầu tháng 11 gây ra. Toàn tỉnh có 70.249 nhà bị ngập lụt từ 0,2 - 0,8m, hơn 322 tấn cá và gần 1.000 lồng bè nuôi cá bị trôi, mất trắng…
Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai yêu cầu, các địa phương vận hành hồ chứa phù hợp quy trình, đảm bảo an toàn cho công trình, hạn chế ngập lụt cho hạ du, đặc biệt, tại lưu vực sông Hương, Vu Gia-Thu Bồn, nơi đang diễn ra các hoạt động của Hội nghị cấp cao APEC; bố trí lực lượng trực canh tại các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước, triển khai phương án đảm bảo an toàn hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp. Kiên quyết sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm.