Đề án 1 triệu ha thực hiện tại 12 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trước khi thực hiện rộng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) thực hiện cánh đồng thí điểm ở 5 địa phương, gồm Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang và Đồng Tháp.
Trong đó, Cần Thơ là địa phương thực hiện đầu tiên tại vụ Hè Thu năm nay với diện tích 50ha tại Hợp tác xã Tiến Thuận (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh), xuống giống ngày 5/4.
Ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, mô hình đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của Đề án 1 triệu ha. Đó là sử dụng giống xác nhận với lượng 60kg/ha, sạ hàng bằng máy kết hợp vùi phân; áp dụng quản lý nước ướt khô xen kẽ, bón phân theo vùng chuyên biệt; quản lý dịch hại tổng hợp, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, thu gom rơm ra khỏi đồng làm nấm rơm hoặc làm phân bón hữu cơ.
Mô hình đã giảm sử dụng lượng lúa giống từ 140kg/ha xuống còn 60kg/ha, giảm số lần bón phân từ 3-4 lần/vụ xuống còn 2 lần/vụ, giảm tối thiểu 20% lượng phân bón vô cơ; giảm đáng kể lượng nước tưới, giảm rủi ro dịch bệnh, giảm cây lúa bị đổ ngã và giảm tổn thất sau thu hoạch...
“Kết quả mô hình là nền tảng, cơ sở để ngành nông nghiệp Cần Thơ nhân rộng đến toàn bộ các vùng tham gia thực hiện Đề án 1 triệu ha như đã cam kết”, ông Hè nói.
TS Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) cho biết, việc giảm lượng lúa giống còn 60kg/ha tương đương giảm được chi phí về giống 1,2 triệu đồng/ha, phân bón giảm 0,7 triệu đồng/ha; năng suất đạt từ 6,3-6,5 tấn/ha, trong khi cách thức sạ lan và sạ hàng không vùi phân chỉ đạt từ 5,8-6,1 tấn/ha (năng suất thực tế của ruộng mô hình còn cao hơn nữa nhờ tránh tổn thất do đổ ngã).
Về hiệu quả kinh tế, lúa thực hiện đề án tăng lợi nhuận ròng từ 1,3 - 6,2 triệu đồng/ha. Còn về giảm phát thải khí nhà kính, mô hình giảm từ 2-6 tấn CO2/ha so với ruộng đối chứng…
Theo ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), bên cạnh những yếu tố tiêu chí của đề án, một yếu tố quan trọng khác là sự liên kết rất chặt chẽ giữa các doanh nghiệp đầu vào, vật tư nông nghiệp và các doanh nghiệp thu mua gạo cho nông dân, liên kết chân thực hơn và có trách nhiệm hơn, thực hiện đúng cam kết của các bên.
"Đó là những yếu tố thành công của mô hình ban đầu mà chúng ta thấy rằng là có thể lan tỏa cho địa bàn Cần Thơ và các cái tỉnh khác khi triển khai thực hiện đề án của địa phương..." - ông Tùng nói.
Ông Cao Đức Phát – Chủ tịch HĐQT IRRI, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Đề án 1 triệu ha đề ra mục tiêu hướng tới năm 2030 vùng ĐBSCL có 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao phát thải thấp. Với kết quả thực hiện thí điểm hôm nay, kỳ vọng mô hình được lan tỏa ra khắp vùng ĐBSCL, giúp bà con nông dân có thu nhập và cuộc sống tốt hơn, đồng thời thực hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế trong giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu…
Tại sự kiện đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng kinh tế mua bán lúa tươi sản phẩm cho 3 vụ liên tiếp (Hè Thu 2024, Thu Đông 2024 và Đông Xuân 2024-2025) giữa Hợp tác xã Tiến Thuận và doanh nghiệp. Ban tổ chức cũng trao giấy chứng nhận cho hợp tác xã và doanh nghiệp thu mua đã tham gia vào liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa tại mô hình; trao giấy chứng nhận liên kết với nông dân/hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ lúa tại mô hình sản xuất lúa áp dụng Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL.