Kéo học sinh, sinh viên vào cuộc

TP - Ngay từ những năm 1958-1960 khi toàn ngành giáo dục ra sức phấn đấu “Xây dựng nhà trường xã hội chủ nghĩa”, việc tổ chức cho học sinh các cấp “tham gia lao động sản xuất” đã trở thành “nguyên lý, phương châm giáo dục”, “thước đo” đánh giá nhà trường xã hội chủ nghĩa, “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình dạy và học.
Tham gia phòng chống tai nạn giao thông giúp HS - SV tự giác chấp hành luật giao thông

Nhiều trường học ở Thủ đô cũng như trong cả nước đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp tiêu biểu là trường phổ thông cấp 2 Bắc Lý (tỉnh Hà Nam) trở thành ngọn cờ của cả nước.

Ở Thủ đô, lúc đó bình quân mỗi học sinh ngoài thời gian học tập chính khóa, có một buổi tham gia lao động thực hành bộ môn, thực hành sản xuất. Đặc biệt mỗi tháng còn có một buổi đi lao động xã hội chủ nghĩa trên công trường (lúc đó là công trường làm Đường Thanh Niên.

Thế hệ học sinh ngày ấy, nay ai cũng nhớ những hình ảnh đẹp, những kỷ niệm hay và tác dụng giáo dục rèn người của các công việc lao động này.

Từ thực tế như vậy, liên hệ đến thực trạng TNGT hiện nay đang ngày càng gia tăng, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, tôi thấy: Cần phải quan tâm đến một lực lượng trẻ đang ngày đêm tham gia giao thông. Đó là lực lượng HS – SV.

Nhiều người trong số họ vừa là “nạn nhân” vừa là “thủ phạm” của các vụ TNGT, nhất là TNGT đường bộ, đường sắt, đường thủy. Đã nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT đã quan tâm đến việc giáo dục HS-SV chấp hành Luật giao thông, đã đưa chương trình giáo dục ATGT thành một nội dung học tập.

Nhưng chủ yếu mới dạy lý thuyết, mà rất yếu thực hành. Ý thức chấp hành Luật giao thông chưa cao, hành vi chấp hành lại  càng kém. Vì vậy, tôi xin đề xuất một ý tưởng sau đây:

Một trường THPT đảm nhận một đoạn đường, một ngã tư nào đó, cần tăng cường lực lượng hỗ trợ cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ bảo đảm ATGT. Tổ chức thực hiện như sau:

* Bình quân mỗi HS-SV mỗi tháng có một buổi 2 giờ tham gia thực hành hướng dẫn giao thông: Ai học sáng thì đi thực hành buổi chiều và ngược lại.

l* Mỗi cảnh sát giao thông đảm nhận từ 3-5 HS-SV thực hành hướng dẫn, người và phương tiện tham gia giao thông trong các giờ cao điểm, hỗ trợ cảnh sát ghi phạt người vi phạm.

* Trang bị cho HS-SV băng ATGT, đội mũ bảo hiểm.

* Khuyến khích tự trang bị máy ảnh, máy quay phim gia đình phục vụ công việc đảm bảo ATGT.

* Đối với HS – SV nghèo, tham gia hoạt động này cần được hỗ trợ một phần kinh phí, coi như “trả công” cho một việc làm thêm. Kinh phí lấy từ tiền nộp phạt của người vi phạm Luật Giao thông.

Tóm lại đây là nguồn lực lượng đông đảo cần được huy động tham gia bảo đảm ATGT và phòng chống TNGT một cách tích cực nhất và có tác dụng giáo dục cao nhất đồng thời lại góp phần giám sát, động viên cảnh sát giao thông làm việc tốt nhất.

Nguyễn Đức Thuần
18T1/1705 Trung Hòa,
Nhân Chính - Hà Nội