Kẻ hủy diệt dưới nước

Cả thủy lôi lẫn ngư lôi đều là vũ khí chủ lực trong hải chiến và được phát triển ngày càng đa dạng, chính xác.

Hải chiến - Từ lịch sử đến hiện đại

Kẻ hủy diệt dưới nước

Cả thủy lôi lẫn ngư lôi đều là vũ khí chủ lực trong hải chiến và được phát triển ngày càng đa dạng, chính xác.

Máy bay tuần tra biển C295 do Airbus sản xuất thả ngư lôi tự hành để tiêu diệt tàu chiến. Ảnh: Alert5.com.

Từ thế kỷ 19, thủy lôi và ngư lôi bắt đầu được sử dụng rộng rãi. Đến nay, mặc dù tên lửa dẫn đường đang là vũ khí tiên tiến để tấn công tàu chiến, nhưng thủy lôi và ngư lôi vẫn đóng vai trò quan trọng trong kho vũ khí của hải quân các nước.

Những “nạn nhân” đầu tiên

Nếu thủy lôi được hiểu đơn giản như là mìn dưới nước, thì ngư lôi là đầu đạn tự hành trong nước

Theo trang National Park Service của Chính phủ Mỹ, tàu USS Cairo của quân đội miền Bắc trong cuộc nội chiến Mỹ (1861 - 1865) là tàu chiến đầu tiên bị đánh chìm bởi thủy lôi. Nhiều tiểu bang của Mỹ có hệ thống sông ngòi chằng chịt, nên cả hai phe khi đó đều muốn chiếm ưu thế trên các dòng sông để dễ dàng kiểm soát chiến trường. Vì thế, phe miền Nam cho rải hàng loạt thủy lôi trên sông Mississippi để phòng ngừa tàu chiến của miền Bắc.

Sáng 12-12-1862, pháo hạm USS Cairo, một trong 7 pháo hạm bọc thép đầu tiên ở Mỹ, dẫn đầu một đoàn tàu chiến tiến đánh các căn cứ phe miền Nam dọc sông Yakoo, bang Mississippi. Trong khi đang tấn công đánh phá các cơ sở của đối phương, tàu USS Cairo đụng phải thủy lôi và sau hai tiếng nổ lớn, pháo hạm kiên cố này đã chìm hẳn trong vòng 12 phút.

Kể từ đó, thủy lôi được sử dụng nhiều hơn trong các trận hải chiến và trở thành vũ khí chiến lược trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật. Năm 1904 - 1905, để giành quyền kiểm soát một số vùng đất thuộc Trung Quốc và Triều Tiên, xung đột Nga - Nhật nổ ra trên các vùng biển quanh bán đảo Triều Tiên và Hoàng Hải. Khi đó, cả Nga và Nhật đều triển khai thủy lôi dày đặc trong vùng biển Hoàng Hải.

Ngày 8-2-1904, Nhật Bản bất ngờ tiến đánh và gây tổn thất lớn cho Hạm đội Viễn Đông của Nga. Để đáp trả, Phó đô đốc Stephen Makarov được cử làm tư lệnh của hải quân Nga trong cuộc chiến. Tuy nhiên, ông Makarov thiệt mạng khi soái hạm Petropavlovsk trúng thủy lôi vào ngày 13.4.1904. Tư lệnh sớm thiệt mạng khiến nhuệ khí của quân đội Nga giảm mạnh và nước này đã phải gánh chịu một thất bại cay đắng.

Không riêng gì thủy lôi, ngư lôi cũng dần được sử dụng nhiều hơn trong giai đoạn từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 và cao trào là Thế chiến 2. Nếu như USS Cairo là tàu chiến đầu tiên bị đánh chìm bởi thủy lôi thì tàu chiến Intibah của Thổ Nhĩ Kỳ, trong chiến tranh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ (1877 - 1878), là “nạn nhân” đầu tiên của ngư lôi tự hành. Từ thế kỷ 13, những ý tưởng đầu tiên về ngư lôi đã được hình thành. Sau đó, một số vũ khí giống ngư lôi cũng được sử dụng, nhưng đến nửa sau thế kỷ 19, ngư lôi tự hành mới chính thức ra đời.

Vũ khí hữu hiệu

Theo website Global Security, những tàu chiến hiện đại đều được trang bị khả năng cài đặt nhiều loại thủy lôi, mỗi loại tương ứng với các đối tượng mục tiêu khác nhau. Một số thủy lôi được thả lơ lửng trong nước, nhưng cũng có một số khác được đặt dưới đáy nước. Kết hợp với công nghệ hiện đại, thủy lôi ngày càng cảm biến nhạy bén hơn. Trong lúc nằm yên, nhiều loại thủy lôi tự hành có thể phát hiện khi mục tiêu đi ngang qua và đuổi theo để tiêu diệt. Vì thế, thủy lôi được xem là một loại mìn phòng thủ hữu hiệu, giúp tiêu hao sinh lực đối phương trong hải chiến.

Tương tự như vậy, ngư lôi cũng là một vũ khí hiệu quả, đặc biệt trong việc tiêu diệt tàu ngầm. Nếu thủy lôi được hiểu đơn giản như là mìn dưới nước, thì ngư lôi là đầu đạn tự hành trong nước. Các ngư lôi hiện đại được tích hợp rất nhiều công nghệ tối tân của tên lửa dẫn đường, có thể chủ động theo đuổi, tìm diệt tàu chiến. Kỹ thuật dò tìm sonar cũng được trang bị cho ngư lôi, nên chúng có thể định vị mục tiêu để đeo bám, tấn công chính xác. Với hiệu quả tác chiến ngày càng cao của ngư lôi, ống phóng ngư lôi trở thành trang bị không thể thiếu của các tàu chiến thời nay. Các máy bay chiến đấu cũng được trang bị khả năng bắn ngư lôi để tiêu diệt cả tàu nổi lẫn tàu ngầm.

Theo Ngô Minh Trí
Thanh Niên

Theo Tổng hợp