Hiện nay các vũ khí phòng thủ tên lửa của Mỹ chủ yếu đặt trên đất liền và tàu chiến. Cả tổng thống Donald Trump lẫn phó tổng thống Miike Pence từng nhấn mạnh rằng năng lực phòng thủ không gian là giai đoạn kế tiếp của việc phòng thủ tên lửa.
Tuy nhiên, theo giáo sư Karl Grossman của đại học New York, các chính phủ tiền nhiệm đều đưa ra một phiên bản kế hoạch xây dựng cái gọi là “lực lượng không gian”, tủy nhiên đều thất bại. Nguyên nhân hoặc là kế hoạch này chưa đủ mạnh để thu hút sự quan tâm hoặc không giành được ủng hộ về mặt chính trị. “Chính phủ nào cũng nói về việc này (lực lượng không gian)”, ông Grossman nói với chương chình Loud & Clear của đài Sputnik hôm thứ Năm. “Khung chương trình… kế hoạch vũ trang hóa không gian vũ trụ luôn là một phần trong các suy nghĩ của Lầu Năm Góc. Tuy nhiên, dù theo cách này hay cách khác, kế hoạch này vẫn chưa được hiện thực hóa”, ông nói.
Trong chuyến viếng thăm Bộ Quốc phòng Mỹ hôm qua, tổng thống Trump nói không gian sẽ trở thành một chiến trường mới.
“Chúng ta sẽ nhận thấy rằng không gian là một chiến trường mới, với sự dẫn đầu của Lực lượng Không gian”, ông Trump nói. “Ngân sách sắp tới của tôi sẽ đổ vào công nghệ phòng thủ tên lửa không gian. Nó chắc chắn là một phần rất, rất lớn trong chiến lược phòng thủ, và tấn công của chúng ta”. “Bất cứ tên lửa nào được phóng đi từ các cường quốc đối thủ, hay thậm chí do sai lầm của họ mà được phóng đi, điều đó sẽ không xảy ra, bất kể đó là loại tên lửa gì và xuất phát từ đâu. Chúng tôi sẽ đảm bảo các tên lửa của kẻ thù không có cơ hội cả ở dưới đất lẫn trên trời”, ông nói thêm.
Theo giáo sư Grossman, trong thời các chính phủ Mỹ tiền nhiệm, Bộ Quốc phòng Mỹ đều đưa ra ý tưởng về lực lượng không gian. Tuy nhiên, ý tưởng này không gây được hứng thú và tất nhiên là ủng hộ từ các tổng thống Mỹ trước ông Trump.
“Bây giờ với ông Trump ở ghế tổng thống và ông Mike Pence giữ vai phó tổng thống, đồng thời là chủ tịch Hội đồng Không gian quốc gia”, đã có ý chí chính trị để làm việc này (thành lập Lực lượng Không gian)”, ông Grossman nói.
Tuy nhiên, có rất nhiều cản ngại đối với việc phát triển Lực lượng Không gian. Theo National Interest, kể từ 1983, Mỹ đã bỏ ra hơn 330 tỷ USD đầu tư cho các chương trình phòng thủ tên lửa và giúp nước này có năng lực ngăn chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Nhưng mở rộng việc đó ra quy mô một hệ thống phòng thủ toàn cầu là không thể thực hiện được và Mỹ cũng không thể có đủ tiền để làm việc đó, theo lời chuyên gia.
Joe Cirincione, chuyên gia an ninh hạt nhân của đài MSNBC (Mỹ) viết rằng phòng thủ tên lửa là trò lừa dối dai dẳng nhất trong lịch sử Bộ Quốc phòng Mỹ. “MDR mới tiếp tục truyền thống đáng tự hào đó”, ông Cirincione mỉa mai trên tạp chí Mỹ National Interest.
“Nó dọa ma chúng ta với những lời cảnh báo về “hơn 20 quốc gia với công nghệ tên lửa” trong khi chỉ có ba quốc gia chúng ta phải lo: Nga, Trung Quốc và Triều Tiên. Nó hứa hẹn một tấm lá chắn gần như hoàn hảo, nhưng đưa ra những chương trình với rất ít chi tiết, những nội dung hữu dụng. Tệ hơn, các đề án và các luận điệu được thổi phồng làm xấu đi vấn đề chính mà nó đòi giải quyết: một cuộc chạy đua vũ trang mới không được kiểm soát”.
Ngày 23/3/1983, tổng thống Ronald Reagan tung ra chương trình “Chiến tranh các vì sao”. 10 năm sau, sau khi đã chi hàng chục tỷ USD vào các phương tiện phát tia laser X-quang, vũ khí năng lượng, vũ khí luồng sáng, vũ khí đánh chặn động năng… Bộ Quốc phòng Mỹ buộc phải thừa nhận rằng không cái nào trong số các ý tưởng tuyệt vời này trở thành hiện thực. “ Cuối cùng, chúng ta vẫn dừng lại với những hệ thống đánh chặn tên lửa trên mặt đất với khả năng chặn lại một hay hai đầu đạn hạt nhân tầm xa mà thôi”, ông Joe Cirincione viết.