Jason Gibbs: Người Việt đòi hỏi quá nhiều ở âm nhạc

TP - Tiến sĩ Jason Gibbs - tác giả cuốn "Rock Hà Nội và Rhumba Cửu Long hay câu chuyện âm nhạc Việt Nam" (NXB Tri thức - 2008) đang được quan tâm nhận định, người Việt Nam đòi hỏi quá nhiều ở văn hóa và âm nhạc.

>> Một người Mỹ mê nhạc Việt

Tiến sĩ Jason Gibbs. Ảnh: Nguyễn Đình Toán 

Cuốn "Rock Hà Nội và Rhumba Cửu Long hay câu chuyện âm nhạc Việt Nam" giành được sự quan tâm nhất định của người yêu nhạc Việt Nam vì những câu chuyện do một người nước ngoài. Tác giả - Tiến sĩ Jason Gibbs lấy vợ Việt Nam, có con gái sáu tuổi nói sõi tiếng Việt.

Điều gì đưa anh tới Việt Nam năm 1993?

Kinh tế Mỹ lúc đó đang khó khăn. Tôi vốn quan tâm văn hóa các nước Đông Nam Á. Tôi nghĩ đến Việt Nam vì có một cộng đồng người Việt ở gần thư viện nơi tôi làm việc. Từ một chương trình cải lương đêm khuya trên đài của Việt kiều, tôi muốn biết về loại nhạc này. Tôi bắt đầu tự học tiếng Việt. 

Anh có trích một câu trong Từ điển New Groove về Âm nhạc và Nhạc sĩ (2001) của Mỹ, cho rằng, nhạc cổ truyền Việt Nam “không còn phù hợp với những đòi hỏi của thông tin đại chúng hay dân đô thị Việt Nam”. Anh có bình luận gì thêm?

Hồi xưa, dân ca, hát trống quân, chèo… là sinh hoạt đời sống bình thường hàng ngày. Bây giờ các loại nhạc cổ truyền ấy còn sống nhưng phải có sự nâng đỡ, không còn là nhu cầu.

Tôi nghĩ, các bạn không đi xem hát chèo những ngày cuối tuần, không phải người Việt quay lưng với nhạc truyền thống. Lý do chính là cách sống đã thay đổi. Cả thế giới như thế.

Anh bỏ tiền túi sang Việt Nam nghiên cứu âm nhạc?

Trừ hai lần. Một lần, một trung tâm ở quận Cam hội thảo về Phạm Duy, mua vé máy bay và đặt khách sạn cho tôi. Và một lần, một trường đại học Mỹ mời tôi đến nói chuyện.

Tự bỏ tiền có cái hay, không ai bắt buộc tôi làm gì. Đó là việc riêng của tôi, làm cho đời tôi đẹp hơn, được gặp gỡ rất nhiều người. Một đam mê.

Anh có ngạc nhiên khi người Việt ít nghiên cứu những đề tài khá gần gũi với mình?

Tôi biết có những người làm việc ở các viện rất giỏi, rất chuyên nghiệp. Nhưng suy nghĩ của họ có thể không giống cách của tôi, vì tôi là người từ bên ngoài. Tuy nhiên, tôi rút ra từ những công trình mà họ xuất bản những tư liệu rất giá trị.

Tôi muốn những người nghiên cứu độc lập ở Việt Nam đông hơn, cũng như muốn nhiều người nghiên cứu thêm về nhạc trẻ. Đọc sách báo toàn phê phán. Phê phán nhạc trẻ cũng là phê phán người trẻ.

Hình như những trào lưu âm nhạc mới xuất hiện trong giới trẻ luôn được dư luận chào đón với thái độ phê phán?

Nhạc trẻ bây giờ cũng có thể gọi là dễ dãi nhưng, nếu nó đáp ứng nhu cầu nào đó cho người nghe, thì nên chấp nhận. Hai năm trước đây, tôi mới biết chương trình Xone FM. Họ phát những bài ca Mỹ mà tôi không bao giờ nghe, vì không phải nhạc tôi thích.

Tôi nghe một bài của Britney chẳng hạn, nếu nói về lời ca thì không có gì, vớ vẩn. Nhưng là nhạc của nước ngoài thì nên được tôn trọng, được phát thanh. Ở Mỹ, người ta biết đó là giải trí.

Xã hội nào cũng có ca khúc dễ dãi, và những ca khúc có thể sống lâu hơn. Hình như người Việt Nam đòi hỏi quá nhiều ở văn hóa và âm nhạc. Có những loại âm nhạc bác học, phải học để hiểu biết. Nhưng có người đang kiếm sống, đang vất vả thì có những sản phẩm để giải trí là dĩ nhiên.

Tôi nghĩ người trẻ có một sân chơi làm ra những ca khúc là một điều rất đẹp. Tôi thấy sách báo phê phán nhiều quá là không công bằng.

Nguyễn Mạnh Hà
Thực hiện