Ít học sinh chọn học nghề sớm

TP - Học sinh có năng lực trung bình, yếu được định hướng đi học nghề hoặc các trung tâm giáo dục thường xuyên, nhưng ở nhiều trường tại Hà Nội, tỷ lệ học sinh quyết định chọn học nghề sớm chỉ ở mức 5-10%.
Học sinh đặt câu hỏi trong một ngày hội tư vấn, hướng nghiệp năm 2021 tại Hà Nội

Thời điểm này, các trường THCS ở Thủ đô đã tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh. Khoảng 62% học sinh có suất học trường THPT công lập, số còn lại sẽ phải lựa chọn các trường THPT ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề… Trước mỗi kỳ thi, các trường đều có tư vấn, định hướng để học sinh đăng ký nguyện vọng cũng như lựa chọn trường phù hợp năng lực.

Chị Đặng Thu Hương, có con học lớp 9 một trường THCS ở quận Ba Đình cho biết, con có học lực trung bình-yếu nên giáo viên tư vấn, định hướng cho con nên vào trường nghề hoặc trường ngoài công lập. Chị luôn mong muốn, con thế nào cũng phải hoàn thành chương trình THPT, có bằng tốt nghiệp, khi đó con 18 tuổi, có đủ nhận thức mới lựa chọn nghề nghiệp. Chị đã thuê gia sư về nhà kèm con học Toán, Ngoại ngữ nhưng không hiệu quả.

Cuối cùng, gia đình đành chấp nhận phương án xét tuyển vào một trường THPT dân lập với mức học phí lên tới 8 triệu đồng/ tháng. “Gia đình không khá giả nhưng đành chấp nhận cố gắng để con theo học trường này, hoàn thành chương trình rồi tính tiếp. Thời điểm này cho con đi học nghề, nếu 2-3 năm nữa con nhận ra mình không thích, không phù hợp cũng sẽ rất mệt mỏi”, chị nói.

Không riêng chị Hương, nhiều phụ huynh con có năng lực yếu kém đã phải cân nhắc việc cho con học nghề hay học tiếp THPT. Theo chị Nguyễn Thị Lan, có con học Trường THCS Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, gia đình đau đầu vài tháng nay mới đi đến quyết định tiếp tục cho con theo học trường ngoài công lập.

chỉ 5-10% chọn học nghề

Trường THCS Dịch Vọng năm nay có 447 học sinh tốt nghiệp THCS. Bà Lê Thị Thúy Nga, hiệu trưởng nhà trường, cho biết, sẽ chỉ có khoảng 5-7% học sinh lựa chọn học nghề. Đầu học kỳ II, trường mời tất cả phụ huynh có con có học lực trung bình trở xuống đến để nghe các trường nghề thông tin về cơ hội học nghề, đào tạo, đầu ra… “Rõ ràng, từ thực tế trên địa bàn quận chỉ có 2 trường THPT công lập là trường THPT Nhân Chính và THPT Yên Hòa với điểm tuyển sinh lớp 10 rất cao. Các trường công lập cũng yêu cầu đầu vào cao, học sinh chỉ còn rất ít lựa chọn nên buộc họ phải cân nhắc”, bà Nga nói.

Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi, quận Hoàn Kiếm, cho biết, trước kỳ thi, trường đã tổ chức họp phụ huynh, thông báo kết quả học tập cả quá trình của học sinh. Trường cũng cung cấp thông tin về cơ hội thi tuyển vào các trường THPT, học nghề… để phụ huynh học sinh nghiên cứu, lựa chọn.

Trưởng Phòng GD&ĐT Hà Đông, bà Phạm Thị Lệ Hằng, cho biết, ngoài 62% học sinh vào trường công, sẽ có 20-30% học sinh lựa chọn vào trường THPT ngoài công lập và chỉ có 5-10% học sinh lựa chọn học nghề ở các trung tâm giáo dục nghề, CĐ nghề. Đây là con số rất thấp nhưng phụ huynh, học sinh đã có cách hiểu thông thoáng hơn. Những năm trước, việc định hướng, phân luồng học sinh từ THCS vấp phải rất nhiều khó khăn.

Theo bà Hằng, trong năm học, các trường THCS phối hợp phụ huynh định hướng nghề, lồng ghép ngoại khóa để cung cấp thông tin, giúp họ hiểu hơn về học nghề sớm. Căn cứ điểm kiểm tra học kỳ, điểm thi thử và quá trình học, giáo viên đánh giá năng lực học sinh, phụ huynh thấy con em mình khó có khả năng thi đỗ vào trường THPT công lập sẽ có định hướng, lựa chọn sớm.

Ví dụ, những em ở làng nghề học xong lớp 9 học thẳng lên cao đẳng, khi tốt nghiệp vừa có bằng tốt nghiệp THPT vừa có tay nghề. Học nghề lại được Nhà nước hỗ trợ học phí. “Nhiều năm nay, tỷ lệ học sinh thi đỗ vào THPT bao nhiêu phần trăm không được lấy làm căn cứ thi đua giữa các trường. Hà Nội cũng cấm các trường ép học sinh chọn nghề, không tham gia thi tuyển vào THPT. Nếu có, giáo viên chỉ làm nhiệm vụ tư vấn, định hướng còn lựa chọn thuộc về học sinh, gia đình”, bà Hằng nói.