Israel muốn Mỹ cấp vũ khí để ‘bồi thường’ thỏa thuận hạt nhân Iran

TPO - Israel đang chuẩn bị chuyển tới Mỹ một danh sách những máy bay và vũ khí mà nước này mong muốn sở hữu nhằm đối phó với mối đe dọa từ Iran. Đây được coi như một “gói bồi thường” của Mỹ cho Israel sau thỏa thuận hạt nhân vừa qua với Iran nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Tehran.

Thỏa thuận giữa Iran với nhóm P5+1, gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức được ký hôm 14/7 tại Thủ đô Vienna (Áo).

Theo văn bản này, các lệnh trừng phạt, gồm cấm mua bán máy bay thương mại, được dỡ bỏ để đổi lấy việc Iran ngừng chương trình vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, Chính phủ Israel đã phản đối bản thỏa thuận, tuyên bố rằng nó sẽ không thể ngăn Tehran đạt được năng lực hạt nhân.

Israel lo ngại Tehran sẽ có được vũ khí hạt nhân và việc xoá bỏ cấm vận kinh tế sẽ tạo điều kiện cho Iran có thêm nguồn lực nhằm hỗ trợ cho các kẻ thù của Israel trong khu vực.

Trong khi đó, Tel Aviv coi các lực lượng vũ trang của mình sẽ có vai trò như “bức tường thành” ngăn cản sự bành trướng của Quân đội Iran, nguyên nhân gây gia tăng căng thẳng trong khu vực vốn đã bất ổn.

Trong bài phát biểu về kết quả cuộc thoả thuận hạt nhân Iran, Thứ trưởng Ngoại giao Israel Tzipi Hotovely đã lên tiếng cảnh báo, nó có thể gây ra những hệ quả thảm khốc và ám chỉ việc nước này sẽ can thiệp bằng các biện pháp ngoại giao.

Danh sách vũ khí mua sắm của Israel gồm các siêu tiêm kích thế hệ 5 F-35 bổ sung của Lockheed Martin, máy bay tiếp dầu KC-46A của Boeing, trực thăng V-22 Osprey của Bell Boeing cùng đạn dược mà Mỹ chưa xuất khẩu cho nước này.

Tel Aviv hiện đã là khách hàng của tiêm kích F-35A (phiên bản cất/hạ cánh như máy bay thường của F-35), nhưng họ đang có tới 17 lựa chọn cho dòng máy bay tàng hình.

Ngoài ra, một thỏa thuận về trực thăng V-22 vốn bị Chính phủ Tel Aviv bác bỏ, nay có thể sẽ được nối lại.

Các nguồn tin Israel cho thấy, thỏa thuận hạt nhân đạt được với Iran sẽ khiến Washington phải “linh động hơn” và dễ dàng hơn trong các thương vụ vũ khí với nước này. 

Theo Theo Flight Global