IS muốn biến Indonesia thành 'đế chế phương xa'

Australia hôm nay cảnh báo Nhà nước Hồi giáo đang tìm cách tăng cường sự hiện diện ở Indonesia nhằm tạo ra một "đế chế phương xa" tại quốc gia có phần lớn dân số là người Hồi giáo này.
Phiến quân nước ngoài trong Nhà nước Hồi giáo. Ảnh: PA.

"Nhà nước Hồi giáo (IS) có tham vọng gia tăng sự hiện diện và mức độ hoạt động trực tiếp hoặc thông qua những kẻ đại diện tại Indonesia", Tổng Chưởng lý Australia George Brandis nói với tờ The Australian. Ông hôm qua tham dự nhiều cuộc họp giữa các bộ trưởng, quan chức an ninh Indonesia và Australia.

Theo ông Brandis, IS tuyên bố muốn thiết lập "đế chế" vượt ra khỏi Trung Đông. "Các bạn đã bao giờ nghe đến 'đế chế phương xa'? Chúng chọn Indonesia là một địa điểm cho tham vọng này", ông cho biết thêm.

IS hiện đã tuyên bố "đế chế" ở một số khu vực ngoài Syria và miền bắc Iraq, nơi chúng đang kiểm soát nhiều phần lãnh thổ.

Bình luận của Brandis được đưa ra sau khi cảnh sát Indonesia triệt phá một âm mưu tấn công tự sát ở thủ đô Jakarta, bắt nhiều phần tử cực đoan liên quan đến IS. Chiến dịch truy quét dài ba ngày khắp Java kết thúc ngày 20/12 với kết quả thu giữ nhiều chất nổ, cờ lấy cảm hứng từ IS và 9 người bị bắt.

Các phần tử cực đoan định tấn công các trung tâm mua sắm, đồn cảnh sát và những nhóm thiểu số ở khắp quốc gia, người đứng đầu cảnh sát quốc gia Indonesia nói.

Nhà chức trách Australia tin có ít khả năng IS có thể tạo ra một "đế chế" ở Indonesia nhưng rất lo ngại chúng duy trì sự hiện diện lâu dài trong quần đảo. Điều này cho phép nhóm phiến quân có thể tấn công các lợi ích của phương Tây hoặc Australia ở trong và ngoài Indonesia.

Bộ trưởng Tư pháp Australia Michael Keenan nhận định IS trỗi dậy khiến an ninh cả hai nước bất ổn. Indonesia và Australia hôm qua nhất trí tăng cường chia sẻ thông tin tin báo sau các cuộc đàm phán song phương ở Sydney và Jakarta.

Indonesia, quốc gia có dân số Hồi giáo đông nhất thế giới, hứng chịu một số vụ đánh bom do phần tử Hồi giáo cực đoan thực hiện từ năm 2000 đến 2009, trong đó có vụ đánh bom Bali năm 2002 làm 202 người chết. Các mạng lưới cực đoan nguy hiểm nhất đã bị suy yếu sau một chiến dịch trấn áp nhưng chúng có thể hồi sinh nhờ sự xuất hiện của IS. Australia cũng có lo ngại tương tự về mối đe dọa từ những kẻ bị cực đoan hóa.

Theo Theo VnExpress