Thoả thuận được công bố bốn ngày sau các cuộc đối thoại kín ở Bắc Kinh giữa hai quốc gia đối thủ ở Trung Đông. Ngày 10/3, phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby cho biết, Washington không tham gia trực tiếp vào các cuộc gặp này, nhưng Ả-rập Xê-út có thông báo với giới chức Mỹ về việc thương lượng với Iran.
Ông Kirby có vẻ hạ thấp vai trò của Trung Quốc trong thoả thuận, cho biết Nhà Trắng tin rằng áp lực từ bên trong và bên ngoài, bao gồm năng lực răn đe hiệu quả của Ả-rập Xê-út trước các cuộc tấn công của Iran và lực lượng đại diện, cuối cùng đã buộc Tehran phải ngồi vào bàn đàm phán.
Tuy nhiên, cựu quan chức cấp cao Mỹ Jeffrey Feltman cho rằng vai trò của Trung Quốc là khía cạnh quan trọng nhất của thoả thuận.
“Điều này có thể được diễn giải là một cú tát vào mặt chính quyền của Tổng thống Joe Biden và cho thấy Trung Quốc là cường quốc đang trỗi dậy”, Feltman, hiện công tác tại Viện Brookings, đánh giá.
Thoả thuận đạt được trong bối cảnh Iran đang đẩy mạnh chương trình hạt nhân, sau 2 năm Mỹ không thể khôi phục thoả thuận hạt nhân năm 2015 nhằm ngăn Tehran chế tạo bom hạt nhân.
Brian Katulis, nhà nghiên cứu tại Viện Trung Đông, cho rằng với Mỹ và Israel, thoả thuận này mở ra “một con đường khả thi mới” để khôi phục tiến trình đàm phán bế tắc trong vấn đề hạt nhân Iran, với một đối tác tiềm năng là Riyadh.
“Ả-rập Xê-út lo ngại sâu sắc về chương trình hạt nhân của Iran. Nếu thoả thuận này giữa Iran và Ả-rập Xê-út có tác động lớn, nó sẽ giúp giải quyết những quan ngại về chương trình hạt nhân của Iran, nếu không sẽ chỉ là hình thức”.
Thoả thuận ngày 10/3 cũng mở ra hy vọng về một thoả thuận hoà bình lâu dài ở Yemen, nơi cuộc xung đột (nổ ra từ năm 2014) được coi là cuộc chiến đại diện giữa Ả-rập Xê-út với Iran.
Điềm báo
Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Đông Á thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, cho rằng vai trò trung gian của Trung Quốc có thể mang “những hàm ý quan trọng” đối với Washington.
Ông Russel nói rằng, chưa rõ Trung Quốc có phải đã chủ động đứng ra làm trung gian để giải quyết mâu thuẫn không liên quan đến họ hay không.
“Câu hỏi đặt ra là, liệu đây có phải điềm báo trước của những thứ sắp tới hay không? Liệu đây có phải điềm báo trước cho vai trò của Trung Quốc trong giải quyết cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khi ông Tập Cận Bình thăm Mátxcơva hay không?” ông Russel nói.
Với Iran, thoả thuận này có thể không tốt cho Mỹ, Naysan Rafati, nhà phân tích cấp cao về Iran tại International Crisis Group, nhận định.
“Vào thời điểm Washington và các đối tác phương Tây đang gia tăng áp lực với Iran, thoả thuận này khiến Tehran tin rằng họ có thể phá thế bị cô lập, và với vai trò của Trung Quốc, họ sẽ vẫn được cường quốc che chở”, Rafati nhận định.