Iran 'thất thủ' trước đại dịch Covid-19

TP - Tính đến ngày 29/2, dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng loại mới (Covid-19) tại Iran đã có 388 người bị bệnh, 34 người chết với tỷ lệ tử vong khoảng 8,76%, mức cao nhất thế giới và là nước có số bệnh nhân chết nhiều nhất chỉ sau Trung Quốc.
Người dân Iran đổ xô đến các hiệu thuốc để mua thuốc khử trùng

Iran chính thức công bố dịch lần đầu tiên vào ngày 19/2, cùng ngày cũng nói rằng có hai bệnh nhân đã chết. Một tuần sau, dịch bệnh lây lan rộng ra với bội số, nhưng Tổng thống Hassan Rouhani ngày 26/2 vẫn nói rằng Iran sẽ quyết không cách ly thành phố, mà chỉ cách ly cá nhân và còn nói “ngày nào cũng có người chết vì cảm lạnh hoặc cúm”, “không cần phải nói quá về coronavirus mới”.

Những tuyên bố này phù hợp với lời lẽ của Thứ trưởng Bộ Y tế Iran, ông Iraj Harirchi nói ngày 23/2 rằng “cách ly là hành động thuộc về thời kỳ đồ đá”. Tuy nhiên, trớ trêu thay, ông Harirchi liên tục đổ mồ hôi tại một cuộc họp báo vào thời điểm đó, dường như không khỏe và ngay ngày hôm sau, đã được xác nhận nhiễm Covid-19. Có vẻ không bình thường khi thấy các nhà lãnh đạo bị nhiễm phải đối mặt với dịch bệnh. Ít nhất có thêm bà Phó tổng thống Masoumeh Ebtekar, Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia và ngoại giao của Quốc hội Mojtaba Zolnour và Giám đốc y tế của trường đại học ở thành phố thánh địa Qom, trung tâm dịch bệnh của Iran, cũng đã bị nhiễm bệnh.

Che giấu dịch bệnh

Thành phố Qom, với dân số hơn 1,2 triệu người, số bệnh nhân mắc bệnh là 63. Đây là một thánh địa hành hương của người Hồi giáo Shiite và thu hút hơn 20 triệu người mỗi năm, chủ yếu đến từ các quốc gia Trung Đông. Chỉ riêng thành phố Herat, Afghanistan đã có hơn 1.000 người đã trở về từ Qom trong hai tuần qua. Do sự qua lại thường xuyên của những người này, tình hình dịch bệnh ở  Iran đã lan nhanh sang các quốc gia ở Trung Đông khác như Kuwait, Bahrain, Oman, Lebanon, Iraq... và những nơi khác. Các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Armenia, Pakistan giáp Iran cũng đã áp dụng biện pháp phong tỏa biên giới.

Hiện tại, chính quyền Iran vẫn không cấm mọi người tiếp tục hành hương đến Qom và ngôi đền quan trọng Fatima Masumeh Shrine vẫn mở cửa. Người điều hành của nó cho biết ngôi mộ thánh này là một “nơi chữa bệnh” và “mọi người đến đây để điều trị tâm linh và thể chất”.

Tuy nhiên, chính quyền Iran cũng kêu gọi công chúng cố gắng tránh các cuộc tụ họp không cần thiết. Tại các tỉnh bị ảnh hưởng, các trường học bị đình chỉ học tập; các hoạt động thi đấu thể thao, triển lãm nghệ thuật, triển lãm phim...đều bị hủy bỏ. Trong các quán cà phê và quán trà của thủ đô Tehran, các điếu hút Shisa mà khách hàng thường dùng chung cũng bị cấm. Trong khi trên tivi phát các video về khử trùng trên xe buýt và ga tàu điện ngầm, đường phố xuất hiện các biểu ngữ kêu gọi mọi người tránh bắt tay nhau. Đồng thời, khẩu trang y tế và vật liệu khử trùng cũng xảy ra tranh mua và giá của chúng đã tăng gần 10 lần.

Ngoài tỷ lệ tử vong cực kỳ cao, tình trạng trên cũng tương tự như các quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng tình hình đặc biệt ở Iran đã cho thấy hai nguy cơ lớn.

Trước hết, nhiều quan chức Iran vẫn coi Covid-19 như cảm cúm và Tổng thống Rouhani so sánh dịch bệnh với mối đe dọa trừng phạt của Mỹ là “sợ hãi lớn hơn so với thực tế”, khiến mọi người lo lắng rằng chính phủ đã không thực sự đối mặt với dịch bệnh do các yếu tố chính trị trong và ngoài nước.

Gặp khó vì các lệnh trừng phạt của Mỹ

Mặt khác, ngay cả khi các số liệu chính thức của Iran đáng tin cậy, thì tỷ lệ tử vong cực kỳ cao cho thấy hệ thống y tế của nước này do bị tác động bởi lệnh trừng phạt của Mỹ, đã không đủ năng lực để đối phó với dịch bệnh Covid-19.  Mặc dù cho đến nay, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn khăng khăng rằng Mỹ “ủy quyền rộng rãi” cho việc nhập khẩu thuốc và thiết bị y tế vào Iran, nhưng hệ thống y tế của Iran trước khi dịch bệnh Covid-19 ở vào tình trạng giật gấu vá vai. Các biện pháp trừng phạt khiến người dân khó có thể chịu nổi chi phí điều trị, hàng dài người xếp hàng tại bệnh viện và thiếu vật tư y tế dẫn đến tình trạng điều trị y tế rất tồi tệ.

 Ngày 21 tháng 2 giữa lúc xảy ra dịch bệnh, người dân đi bầu cử Quốc hội vẫn không đeo khẩu trang

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tháng 10/2019 đã công bố một báo cáo, đề cập đến “các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đối với các ngân hàng Iran”, cộng với “những nhận xét ác ý của các quan chức Hoa Kỳ”, “dù cố ý hay không, đã đe dọa nghiêm trọng việc người dân Iran được hưởng quyền chữa bệnh và nhận được các loại thuốc cần thiết”.

Đã bị Mỹ trừng phạt trong nhiều năm, Iran có thể tự sản xuất 95% lượng thuốc cần thiết, nhưng nguyên liệu cần được nhập khẩu từ nước ngoài. Mahmoud Zadeh, Giám đốc bệnh ung thư tại Khu phức hợp Bệnh viện Imam Khomeini ở Tehran, nói rằng vấn đề là “chúng tôi không thể gửi tiền giữa các tài khoản ngân hàng, khiến chúng tôi không thể mua được thuốc cần thiết dù chúng tôi có tiền”. Ông nói, một nửa số bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt.

Bộ Y tế Iran nói rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã 4 lần chuyển giao cho Iran các công cụ để phát hiện Covid-19 và các thiết bị phòng hộ của nhân viên y tế, nhưng điều này vẫn không giải quyết được hoàn toàn áp lực đối với hệ thống y tế Iran. Chỉ ngành y tế Iran mới nhận thức rõ nhất về nhu cầu khác nhau của họ.