Indonesia thành ‘điểm nóng’
Cơ quan y tế Indonesia ngày 13/6 báo cáo nước này ghi nhận thêm 47.899 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ, cao nhất từ trước đến này. Con số này tăng mạnh so với một ngày trước đó (40.427 ca).
Trong khi đó, số ca mắc mới tại Ấn Độ đang có dấu hiệu giảm dần, khoảng từ 30.000 đến 40.000 ca mới mỗi ngày.
Số ca mắc mới của hai nước tuy tương đương, nhưng dân số Indonesia (270 triệu người) chỉ bằng một phần năm dân số Ấn Độ. Tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 ở Indonesia hiện là 132 ca/triệu dân, trong khi con số này ở Ấn Độ là 26 ca/triệu dân. Tỉ lệ mẫu dương tính trên tổng số mẫu xét nghiệm ở Indonesia tuần qua dao động khoảng 30%, trong khi con số này ở Ấn Độ là 2%.
Ấn Độ vẫn là quốc gia có tổng số ca mắc COVID-19 cao nhất châu Á, với hơn 30,9 triệu ca bệnh và hơn 410.000 ca tử vong. Đứng thứ hai là Indonesia, với hơn 2,6 triệu ca bệnh, và hơn 68.000 ca tử vong.
Nhưng trong khi các số liệu của Ấn Độ đang giảm dần so với mức đỉnh của tháng Năm, thì đợt bùng phát tồi tệ nhất ở Indonesia vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại.
Bộ trưởng Y tế Budi Sadikin cho biết hôm thứ Ba rằng tỷ lệ sử dụng giường điều trị bệnh nhân COVID-19 ở 12 tỉnh của Indonesia đã vượt quá 70%. Tại thủ đô Jakarta, tỉ lệ này là gần 90%, mặc dù nhiều cơ sở y tế đã được chuyển đổi thành bệnh viện chuyên điều trị COVID-19.
Một nửa dân số Jakarta có thể đã mắc bệnh
Cuộc khảo sát được tiến hành trên khoảng 5.000 cư dân Jakarta từ ngày 15 đến 31/3 cho thấy 44,5% số người tham gia xét nghiệm có kháng thể COVID-19, cho thấy họ đã hoặc đang mắc bệnh vào thời điểm lấy mẫu.
Cuộc khảo sát được tiến hành bởi Văn phòng Y tế Jakarta, Khoa Y tế Công cộng của Đại học Indonesia, Viện Sinh học Phân tử Eijkman và các nhân viên từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ở Indonesia. Kết quả khảo sát được công bố ngày 10/7.
Jakarta có dân số khoảng 10,6 triệu người. Nên theo các nhà nghiên cứu, tổng số ca bệnh ở thủ đô tính đến ngày 31/3 có thể đã lên tới 4,7 triệu người, cao gấp 12 lần số liệu thống kê của cơ quan y tế Jakarta vào thời điểm đó (382.000 ca).
Kết quả này phản ánh mối lo ngại của các chuyên gia y tế, rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 ở Indonesia có thể nghiêm trọng hơn so với con số chính thức.
Cũng theo nhóm chuyên gia, những người đã khỏi COVID-19 sẽ có kháng thể, nhưng không rõ khả năng miễn dịch mạnh đến mức nào hoặc kéo dài bao lâu. Do đó, tỉ lệ cư dân có kháng thể cao không thể là thước đo cho thấy Jakarta đã đạt miễn dịch cộng đồng.
“Ở một thành phố mở như Jakarta, nơi lưu lượng người đến và đi cao, rất khó để đạt miễn dịch cộng đồng. Jakarta nên tập trung vào việc tiêm chủng cho người dân”, các nhà khoa học nhấn mạnh.
Khoảng 5,5% dân số Indonesia đã được tiêm đủ hai mũi vắc xin. Tại Jakarta, con số này là khoảng 18%, tương đương 1,95 triệu người.