Tiếp bài Có con đường vượt biển thời Nam tiến:
Hy sinh nửa thế kỷ chưa có giấy báo tử
> Gặp anh hùng thủy quân lái thuyền gỗ
> Những thủy thủ cuối cùng
Chăm chú đọc loạt bài Có con đường vượt biển thời Nam tiến khởi đăng trên Tiền Phong (từ ngày 12-10-2011), cựu chiến binh Nguyễn Bá Hiền (80 tuổi, hiện trú đường Lê Duẩn, TP Đà Nẵng), thành viên Ban liên lạc tiểu đoàn 248, xúc động: có lẽ đây là những lần đầu tiên chiến công của tiểu đoàn được nhắc đến rộng rãi.
Ra đời năm 1948 với nhiệm vụ vận chuyển tài liệu, vũ khí, quân trang quân dụng, thuốc men, thực phẩm bằng đường biển từ Bắc vào Nam, phục vụ cho nhu cầu chiến đấu ở chiến trường Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, chỉ trong vòng 6 năm, tiểu đoàn 248 đã vận chuyển được 2 vạn tấn hàng, chở hơn 100 đoàn cán bộ ra vào an toàn, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao.
Tiểu đoàn 248, có thể nói, là tiền thân của những chuyến tàu không số đường Hồ Chí Minh trên biển sau này. “Chính từ cái nôi 248, nhiều đồng chí trưởng thành, dày dặn kinh nghiệm, tiếp tục tham gia tàu không số. Nhưng chiến công của tiểu đoàn 248 vẫn còn thầm lặng, ít được biết tới” - ông Nguyễn Bá Hiền tâm sự.
Sau hơn 60 năm, lần gặp mặt Ban liên lạc Tiểu đoàn 248 mới đây tại Đà Nẵng còn chưa đầy 100 người. Riêng tại Đà Nẵng còn gần chục người, đều đã già yếu. Cựu chiến binh Phạm Trà Giang (80 tuổi, phường Bình Thuận, Hải Châu, Đà Nẵng) lần đầu gặp lại đồng đội, ông không ngờ Tiểu đoàn 248 lại có dịp tái ngộ như thế này. “Mừng vì gặp lại đồng đội, nhưng còn không ít trăn trở vì nhiều người chưa được hưởng các chế độ chính sách theo quy định, thậm chí còn bị lãng quên. Ngay bản thân tôi bao nhiêu năm qua cũng không được hưởng các chính sách đó” – ông Giang bộc bạch.
Theo ông Nguyễn Bá Hiền, chỉ những đồng chí rời tiểu đoàn tiếp tục tham gia quân đội mới được hưởng chế độ lương hưu, thương binh… Còn những người trở về quê sau ngày giải thể tiểu đoàn thì chưa được công nhận để hưởng các chế độ chính sách.
Chế độ phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể
Về chế độ đối với những người tham gia con đường xuyên biển thời Nam tiến, ông Hoàng Công Thái - Cục trưởng Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, về nguyên tắc, ai mất cũng đều có giấy báo tử. Người có công với cách mạng nếu mất trong quá trình chiến đấu thì chắc chắn được công nhận liệt sỹ.
Theo ông Thái, chế độ đối với người có công với cách mạng cũng đã được Nhà nước giải quyết xong từ mấy chục năm nay. Tuy nhiên, trong trường hợp có những người chưa được hưởng chế độ chính sách vì lý do nào đó, chỉ có cơ quan chính sách tại địa phương mới nắm rõ hoàn cảnh cụ thể của từng người.