Hy Lạp đón ông Tập, Mỹ và EU lo

TP - Hôm qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có các cuộc gặp với lãnh đạo Hy Lạp, trong một chuyến công du nhằm thúc đẩy sáng kiến đầu tư toàn cầu của Bắc Kinh trong lòng Liên minh châu Âu (EU). 
Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Athens ngày 11/11. ảnh: AP

Hôm qua, ông Tập có cuộc gặp Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos và Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis, AP đưa tin.

Chỉ trong vòng vài ngày, ông Tập đã có hai cuộc gặp với Thủ tướng Mitsotakis, vì người đứng đầu chính phủ Hy Lạp vừa có chuyến thăm Thượng Hải trong tuần trước. Trong cuộc gặp đó, ông Tập nhấn mạnh tiềm năng Hy Lạp “trở thành một trung tâm hậu cần” để trung chuyển hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang châu Âu.

Trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày lần này, ông Tập dự kiến thăm cảng Piraeus, một cảng biển nằm trên bờ Địa Trung Hải đang thuộc quyền quản lý của tập đoàn Trung Quốc Cosco. Piraeus là cảng lớn nhất của Hy Lạp và nằm gần thủ đô Athens. Ông Tập dự kiến sẽ chứng kiến lễ khai trương chi nhánh của Ngân hàng Trung Quốc ở Athens và đi thăm một số di tích lịch sử như Acropolis.

Đắc cử vào tháng 7 năm nay với tầm nhìn sẽ đưa Hy Lạp trở thành một trung tâm thu hút vốn đầu tư nước ngoài và một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu, Thủ tướng Mitsotakis muốn kêu gọi đầu tư từ Trung Quốc. Theo giới phân tích, Hy Lạp vừa muốn tranh thủ tiền của Bắc Kinh vừa không muốn gây thất vọng cho các đồng minh trong EU hay Mỹ.

Lo ngại chia rẽ

Giới ngoại giao EU và Mỹ nhìn sự kiện này với con mắt thận trọng, trong bối cảnh Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến Hy Lạp, đặc biệt với việc Athens tham gia vào nền tảng hợp tác “17+1” do Bắc Kinh đề ra và dẫn dắt. Cơ chế này bao gồm các quốc gia Đông và Đông nam châu Âu, trong đó có một số nước nằm ngoài EU.

Hy Lạp tham gia sáng kiến này từ đầu  năm nay, bất chấp việc Brussels cho rằng đó là cách Trung Quốc gây chia rẽ khối.

Ông Plamen Tonchev, trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại Viện Nghiên cứu quan hệ kinh tế quốc tế ở Athens, nói rằng Thủ tướng Mitsotakis coi “17+1” là cách để Hy Lạp gia tăng vị thế ở khu vực.

“Hy Lạp tham gia cơ chế này từ thời chính phủ cũ, nhưng ông Mitsotakis sẽ không rút ra chừng nào còn coi đó là cơ hội để khôi phục vị thế của Hy Lạp ở Đông nam châu Âu và đặc biệt là khu vực Tây Balkan”, ông Tonchev nói.

Báo SCMP dẫn lời một quan chức EU giấu tên nói rằng Trung Quốc “có thể đề nghị Hy Lạp đóng vai trò lớn hơn trong việc điều phối 17+1, khi một số đảng ở châu Âu đang hờ hững với nó”, chủ yếu vì họ cảm thấy không hấp dẫn về tài chính.

Một cố vấn của chính phủ Hy Lạp nói rằng, theo quan điểm của nước này, vấn đề chủ chốt là phải cân bằng được giữa phát triển quan hệ đầu tư và thương mại với Trung Quốc trong khi không “vẽ đường” để Bắc Kinh thúc đẩy các lợi ích địa chính trị của họ ở Đông Âu.

“Thủ tướng hiểu rất rõ mối bận tâm của EU trước các ý định của Trung Quốc, và ông ấy không chống lại điều đó”, nhà ngoại giao nói.

Quan hệ của Hy Lạp với Trung Quốc cũng gây chú ý với Mỹ. Trong chuyến thăm Athens vào tháng 10 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhiều lần cảnh báo về ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc ở châu Âu, cho rằng Bắc Kinh “đang sử dụng phương tiện kinh tế để ép các nước chấp nhận những thỏa thuận không công bằng, có lợi cho Bắc Kinh và khiến các nước kia ngập trong nợ”.

Hy Lạp tiếp nhận chưa đầy 1% tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu, nhưng việc một công ty nhà nước của Trung Quốc kiểm soát và mở rộng cảng Piraeus gây nhiều quan ngại. Cosco hoạt động ở đó trong cả chục năm qua và sẽ đưa nó trở thành một cảng hàng hóa nhộn nhịp nhất ở Địa Trung Hải vào cuối năm nay.

Tháng 10 vừa qua, Athens chấp thuận 2/3 kế hoạch của công ty này về việc mở rộng cảng, với tổng vốn đầu tư 670 triệu USD cho các dự án gồm một cảng du lịch mới, 4 khách sạn và một bến xe. Phần còn lại của kế hoạch bị bác bỏ vì ảnh hưởng đến di tích khảo cổ.

“Phê duyệt kế hoạch bến cảng thứ tư có thể là một trong các nội dung được bàn tới trong cuộc gặp giữa ông Tập và ông Mitsotakis”. 
ông Tonchev