Huyện Gia Lâm: Sẵn sàng trở thành đô thị phía Ðông Thủ đô

TP - Với những đồ án quy hoạch Khu đô thị Trâu Quỳ, Ninh Hiệp, Ðình Xuyên, “siêu dự án” đô thị với gần 9 vạn dân, cùng quy hoạch huyện Gia Lâm tỷ lệ 1/5.000 sắp hoàn thành, huyện Gia Lâm đang từng bước phấn đấu trở thành khu đô thị lớn, dần hội đủ các tiêu chí trở thành một quận phía Ðông Thủ đô vào năm 2020.
"Siêu đô thị" đang dần hình thành tại huyện Gia Lâm.

Ðô thị hiện đại trong tương lai

Gia Lâm - vùng đất địa linh nhân kiệt, nằm ở cửa ngõ phía Đông của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, nơi giao thoa của dòng văn hoá Thăng Long và Kinh Bắc. Gia Lâm được xác định là vùng kinh tế trọng điểm. Trên địa bàn huyện có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng đã và đang được đầu tư xây dựng: Quốc lộ 1A; Quốc lộ 1B; Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên; Quốc lộ 5; Đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; đường Hà Nội - Hưng Yên; đường 181...; đường thuỷ sông Hồng, sông Đuống, ga Yên Viên và hệ thống đường sắt ngược lên phía Bắc, Đông Bắc và xuôi cảng biển Hải phòng. Trên địa bàn huyện có nhiều khu đô thị, khu công nghiệp và các trung tâm thương mại được hình thành; nhiều làng nghề nổi tiếng, thu hút đông khách thập phương trong và ngoài nước như làng gốm sứ Bát Tràng, dát vàng, may da Kiêu Kỵ, chế biến thuốc bắc Ninh Giang. Đây chính là những động lực và tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế thương mại, du lịch, dịch vụ giao thông, giao lưu hàng hoá hiện nay và trong tương lai.

Đặc biệt, tháng 6/2018, UBND thành phố Hà Nội có quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu đô thị Gia Lâm, tỷ lệ 1/500 tại khu vực thị trấn Trâu Quỳ và các xã: Dương Xá, Kiêu Kỵ, Đa Tốn. Tổng diện tích đất khu vực nghiên cứu quy hoạch khoảng 420ha và quy mô dân số khoảng 89.500 người.

“Siêu” đô thị mới này được nghiên cứu quy hoạch bao gồm: Khu biệt thự cao cấp được bố trí bên trong lòng đô thị, các khu nhà ở cao tầng với chiều cao từ 25 - 38 tầng, các trường mầm non, trường học các cấp bố trí trung tâm các khu ở, hệ thống công trình công cộng thành phố bố trí, hệ thống các công trình công cộng dịch vụ hỗ trợ và bãi đỗ xe... Quy hoạch này nhằm mục đích cụ thể hóa định hướng điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của thành phố trên nguyên tắc đảm bảo đồng bộ giữa quy mô dân số với các định hướng tổ chức không gian và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội có liên quan...

Ông Lê Anh Quân, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, công tác giải phóng mặt bằng cho “siêu đô thị” được huyện đặc biệt quan tâm. Đây cũng là một trong những dự án có tốc độ GPMB nhanh nhất, đến thời điểm này, huyện đã hoàn thành bàn giao 400 ha đất sạch cho chủ đầu tư. Ngoài dự án trên, huyện Gia Lâm còn có những Khu đô thị mới như Đặng Xá, thu hút hàng nghìn nhân khẩu từ nội thành sang, đáp ứng nhu cầu giãn dân phố cổ theo chủ trương của thành phố.

Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp triển khai lập quy hoạch các phân khu đô thị trên địa bàn huyện như: phân khu đô thị N9, N11, GN, quy hoạch chung xây dựng huyện Gia Lâm, quy hoạch hai bên đường Dốc Hội - Học viện Nông nghiệp Việt Nam; hoàn thiện đồ án quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị Trâu Quỳ, quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị tại các xã Yên Thường, Ninh Hiệp, Đình Xuyên,… tỷ lệ 1/500 trình thành phố phê duyệt.

Ðủ điều kiện lên quận năm 2020

Những công trình điểm nhấn, kết nối Gia Lâm và các quận nội thành.

Trong những năm qua dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Gia Lâm đã tập trung chỉ đạo đạt những kết quả toàn diện. Huyện đã có bước chuyển mình mạnh mẽ với tốc độ đô thị hóa nhanh, 20/20 xã được công nhận xã nông thôn mới; phát triển kinh tế- xã hội, an ninh- quốc phòng đạt được những thành tựu quan trọng.

Trong 10 năm qua sau khi điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội, tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển trên địa bàn huyện là 4.861.248 triệu đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách cấp huyện, cấp xã là 3.848.178 triệu đồng, chiếm 79,2%. Đã đưa vào sử dụng Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm, Nhà văn hóa huyện; đầu tư nâng cấp nhiều tuyến đường trục chính khác, hệ thống đường giao thông cơ bản được cứng hóa. Hiếm có huyện nào mà hệ thống đường được trải nhựa phẳng lì về đến từng thôn, xóm.

Để phát triển hạ tầng cho đô thị, huyện cũng triển khai dự án nhà máy nước sạch khu vực Yên Viên. Ngoài ra, Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống (giai đoạn 1), với công suất 150.000 m3/ngày đêm sẽ được khánh thành vào đúng tháng 10/2018.  Tổng quy mô dự án với diện tích gần 61,5 ha, tổng vốn đầu tư gần 5000 tỷ đồng tại xã Phù Đổng và xã Trung Mầu. Đặc biệt, Gia Lâm là một trong những huyện đi đầu trong đầu tư đồng bộ hệ thống chiếu sáng. Theo đó, 411,8km hệ thống chiếu sáng trên địa bàn huyện được đầu tư. Huyện cũng triển khai đồng bộ việc cải tạo, xây dựng trụ sở làm việc, trạm y tế, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa xã; đến nay đã có 153/171 thôn, làng, tổ dân phố, cụm dân cư có nhà văn hóa; 100% trạm y tế các xã đạt chuẩn; 58/75 trường đạt chuẩn quốc gia.

 Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cho biết thêm, trong 7 tháng đầu năm 2018, huyện đã triển khai thi công xây dựng các dự án giao thông trọng điểm (đường Dương Xá - Đông Dư, đường Yên Viên - Đình Xuyên - Phù Đổng, tuyến đường 30m...), các dự án trường học, mua sắm trang thiết bị phục vụ khai giảng năm học mới và các dự án dân sinh bức xúc. Nói về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 5 tháng cuối năm, ông Nguyễn Ngọc Thuần cho biết, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ đề năm “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”; Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, thực hiện tốt cải cách hành chính.

Ngoài ra, huyện cũng đang khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện và trình phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm thành quận vào năm 2020 theo chỉ đạo của thành phố. Trong tháng 8/2018, huyện sẽ trình thành phố xem xét phê duyệt đề án này.

Trước đó, trong buổi làm việc với huyện Gia Lâm, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Gia Lâm là huyện cửa ngõ Thủ đô, kết nối toàn bộ tuyến Đông Bắc và còn nhiều tiềm năng phát triển về du lịch, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao. Thời gian qua, huyện đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để phát triển đúng hướng. Trong đó, năm 2017, huyện có nhiều chỉ tiêu đạt cao như: Thu ngân sách đạt 238% so với mức được giao; các xã đạt tiêu chí nông thôn mới, giảm hộ nghèo; công tác cải cách hành chính chuyển biến rõ nét... Gia Lâm là một trong những huyện dẫn đầu về phát triển kinh tế- xã hội, được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua.

Về vấn đề quy hoạch chung xây dựng huyện Gia Lâm tỷ lệ 1/5000, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đồng ý với đề xuất của UBND huyện Gia Lâm về thanh lý hợp đồng với đơn vị tư vấn cũ, giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị có liên quan tiến hành lập Đồ án quy hoạch chung xây dựng huyện Gia Lâm, tỷ lệ 1/5000, thực hiện xong trong năm nay. “Tôi đề nghị việc xây dựng quy hoạch theo định hướng phấn đấu thành khu đô thị chứ không phải huyện nông thôn”, Chủ tịch UBND thành phố nêu rõ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phạm Trí Thức ủng hộ đề nghị nâng huyện Gia Lâm lên thành quận để tạo điều kiện cho thu hút người dân từ nội thành sang, thay đổi bộ mặt địa phương. Ông Thức cho rằng, UBND huyện cần chú ý rà soát các xã, phường về tiêu chuẩn dân cư, diện tích, và có giải pháp phù hợp, đáp ứng tiêu chí đô thị.Ðại diện Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng: Thu hút người dân đến định cư, sinh sống ở Gia Lâm cũng đồng nghĩa với việc “chia lửa” giãn dân cho các quận nội thành.