Sáng 14/7, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) cho biết, thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành thiết lập Sở Chỉ huy Chiến dịch tiêm chủng vắc xin và Văn phòng tại Bộ Quốc phòng và Cục Quân y để chỉ đạo, điều hành, tổng hợp các số liệu về chiến dịch tiêm vaccine trên toàn quốc; rà soát thiết lập các kho bảo quản vaccine tại 8 đầu mối (7 quân khu và Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội).
Theo ông Kiên, dự kiến từ nay đến năm 2022, Quân đội sẽ tiếp nhận, vận chuyển gần 113 triệu liều vắc xin. Hiện ngành Vận tải quân sự đã xây dựng kế hoạch vận chuyển, cấp phát vắc xin đến các điểm tiêm tại các quận, huyện trên toàn quốc với tổng số 1.333 xe (trong đó vận tải chiến lược 174 xe, chiến dịch 1.159 xe). Các lực lượng tham gia đã và đang tiếp tục được tập huấn về chuyên môn để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ.
Cũng trong sáng 14/7, trao đổi với PV Tiền Phong, Thiếu tướng Nguyễn Đức Tùng, Cục trưởng Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần) cho biết, từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022, ngành Vận tải quân sự có nhiệm vụ vận chuyển vắc xin từ nơi tiếp nhận (cảng hàng không, các đơn vị cung ứng), kho đầu nguồn của Bộ Y tế đến kho của các quân khu, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội và vận chuyển đến cấp huyện thuộc 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Ngành Vận tải quân sự đã lên kế hoạch phân cấp, tổ chức, sử dụng lực lượng với việc vận dụng linh hoạt phương thức vận chuyển, trong đó chủ yếu sử dụng phương thức vận tải đường bộ.
Đồng thời, Cục Vận tải là cơ quan trung tâm, phối hợp, điều hành chung lực lượng vận tải toàn quân thực hiện nhiệm vụ vận chuyển vắc xin, hiệp đồng với Bộ Y tế triển khai lực lượng vận tải chiến lược để vận chuyển từ các kho đầu nguồn Bộ Y tế về các kho quân khu, kho Bộ tư lệnh thủ đô Hà Nội; thông báo sớm các yếu tố của từng đợt vắc xin cho các quân khu, Bộ tư lệnh Thủ đô để tiếp nhận và vận chuyển.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Tùng, các đơn vị sử dụng phương tiện trong biên chế, xe chuyên dụng do Bộ Y tế tạm cấp cho đơn vị quân đội và kết hợp với huy động phương tiện xe ô tô của các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn để tổ chức vận chuyển. Trường hợp quá khả năng, sử dụng kinh phí thuê vận chuyển để thuê phương tiện từ các doanh nghiệp bên ngoài hoặc huy động xe đông lạnh và các loại phương tiện khác tại chỗ để tổ chức vận chuyển. Ngoài lực lượng chính thức, có lực lượng dự bị để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Từ nay đến 31/7/2021, theo kế hoạch của Bộ Y tế, khi cần thiết, vận tải quân sự hỗ trợ vận chuyển vắc xin từ nơi tiếp nhận (cảng hàng không, các đơn vị cung ứng) đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hoặc các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteurs đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố và đến đến Trung tâm Y tế cấp huyện. Thời gian tổng cộng 3 ngày cả thời gian tiêm.
Vừa qua, từ ngày 9/7 đến 11/7, Lữ đoàn 972 thuộc Cục Vận tải đã vận chuyển hơn 1,4 triệu liều vắc xin từ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đến kho của Bộ Y tế tại Khu công nghiệp Cát Lái, thành phố Thủ Đức.
Từ tháng 8/2021 đến tháng 4/2022, vận tải các đơn vị chiến dịch, chiến thuật vận chuyển thẳng từ các kho của quân khu, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội đến Trung tâm Y tế cấp huyện, thời gian vận chuyển trong vòng 2 ngày. Trong đó, đối với vắc xin được phép vận chuyển ở nhiệt độ từ 2-8 độ C, từ kho quân khu, kho Bộ tư lệnh Thủ đô đến Trung tâm Y tế quận, huyện trong vòng 2 ngày, trong 1 ngày phải cấp cho các điểm tiêm.
Đối với vắc xin thì bảo quản ở nhiệt độ từ -25 độ C đến -15 độ C, các đơn vị phối hợp cơ quan y tế địa phương để đảm bảo đủ thiết bị bảo quản vắc xin, thực hiện vận chuyển từ kho quân khu, kho Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội đến cấp huyện không quá 2 ngày, sau đó cấp ngay cho các điểm tiêm.
Đối với một số tỉnh, huyện miền núi, hải đảo, Cục Vận tải đề xuất Bộ Y tế làm việc với Bộ Giao thông vận tải để có phương án vận chuyển bằng đường không và có thiết bị chuyên dùng để bảo quản lạnh cho vắc xin trong quá trình vận chuyển.