Tháng Thanh niên:

Hướng đến cộng đồng, dễ thành công

TP - Sáng 12/3, tại tòa soạn báo Thanh Niên diễn ra buổi giao lưu trực tuyến với 4 bạn trẻ lọt vào top 20 “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu” năm 2014. Các khách mời chung nhận định, hướng đến cộng đồng thì dễ thành công.
Các vị khách mời trả lời câu hỏi của độc giả. Ảnh: Thanh Hải.

Tham dự buổi giao lưu có TS Trương Quốc Phong, sinh năm 1979, Trưởng phòng thí nghiệm Proteomics, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội); ngư dân Lê Văn Sang, sinh năm 1985, quản lý đội tàu đánh bắt xa bờ tại Đà Nẵng; vận động viên cử tạ Thạch Kim Tuấn, sinh năm 1994 (TPHCM); TS Nguyễn Bá Hải, sinh năm 1984, giảng viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.

Nuôi đam mê từng ngày

Với những thành công trên con đường nghiên cứu khoa học, giúp ích cho cộng đồng, tại buổi giao lưu, TS Nguyễn Bá Hải nhận được nhiều sự quan tâm, ngưỡng mộ của bạn đọc. Chia sẻ về con đường thành công của mình, anh chân thành: “Hồi tiểu học, tôi học rất tệ, chưa khi nào đạt mức trung bình khá, chữ xấu, và đặc biệt ham chơi, chỉ thích chăn bò, chăn trâu. Nhưng từ khi lên cấp 2 tôi dần thích môn vật lý vì nó giúp tôi giải thích được những hiện tượng tự nhiên”. Thi đại học, anh đạt điểm cao thứ 2 đầu vào của lớp và được bầu làm lớp phó học tập. “Các thầy cô như Ths Nguyễn Trọng Thức, PGS - TS Đỗ Văn Dũng, cô Sử Thị Ái Mỹ (ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) là những người đã biến cái đầu thích chăn trâu, chăn bò của tôi thành thích khoa học, tiếng Anh. Tôi bắt đầu hành trình đam mê khoa học từ đó”, anh Hải tâm sự.

“Nếu mình nhận ra được đam mê của mình, sống trọn vẹn với đam mê đó. Ngay từ đầu khó mà thu xếp sống vì đam mê được nhưng cần tỉnh táo, tiết giảm nhu cầu để nuôi dưỡng đam mê, cứ thế mỗi ngày ta thấy nhẹ dần và thoải mái, sau đó thấy phấn khích, thăng hoa mỗi ngày”. 

TS Nguyễn Bá Hải

Anh chia sẻ, đam mê đến nỗi, từ một người không biết gì về tiếng Anh, anh lập CLB nghe nói tiếng Anh của trường để tự rèn luyện và anh đã trưởng thành vượt bậc. Hơn 10 năm nay CLB vẫn không ngừng lớn mạnh. Giành được học bổng du học tại Hàn Quốc, anh luôn trăn trở: “Tại sao Việt Nam nghèo hơn Hàn Quốc? Tại sao sinh viên Việt đi du học nước ngoài mà không có sinh viên Mỹ, Hàn Quốc du học tại Việt Nam?”. Tất cả những câu hỏi đó trở thành động lực để anh lao vào học tập, nghiên cứu. Kết quả sau 2 năm giành được 3 sáng chế và tiếp tục có học bổng từ doanh nghiệp Hàn Quốc để học tiến sĩ. Vẫn với đam mê cháy bỏng đó, anh tốt nghiệp tiến sĩ trước hạn với 2 sáng chế và giải vàng cho luận văn tiến sĩ.

Anh Hải chia sẻ thêm, niềm đam mê nghiên cứu khoa học giúp anh có nguồn năng lượng gần như vô tận mỗi ngày để quanh quẩn bên những phần mềm, mô hình thí nghiệm hay nằm dài bên bờ sông tư duy, sáng tạo ra những điều lý thú trong khoa học.

Lực sỹ Thạch Kim Tuấn cho rằng, bảng thành tích vàng của anh là kết quả của mồ hôi, công sức ngày đêm miệt mài luyện tập bằng sự đam mê với môn cử tạ. Kim Tuấn nhắn nhủ: “Người trẻ ngày nay có nhiều lợi thế khi được tiếp cận với thế giới hiện đại, nhiều cơ hội rộng mở, vấn đề là họ tận dụng được hay không. Tôi nghĩ các bạn trẻ hãy làm những điều mình thích bằng tất cả đam mê, hãy theo đuổi niềm đam mê đến tận cùng, dồn hết tâm trí, sức lực, thành công sẽ đến”.

Gắn với nhu cầu thực tiễn

Nói về công việc của mình đang làm, các vị khách mời giao lưu đều có chung nhận định, khi làm bất cứ việc gì chúng ta cũng cần phải gắn với thực tiễn và hướng đến cộng đồng. Trước thắc mắc của một số bạn đọc về việc nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của người trẻ bị “xếp xó”, “bỏ ngăn kéo”, TS Trương Quốc Phong cho rằng, với mỗi người trẻ làm nghiên cứu khoa học nên định hình cho mình định hướng nghiên cứu và cụ thể hóa bằng các nhiệm vụ gắn với nhu cầu thực tiễn. “Khi triển khai thực hiện cần xác định rõ hướng tiếp cận sao cho sau này sản phẩm phù hợp thực tiễn. 

Đồng thời nhà quản lý cần có hành lang pháp lý phù hợp giúp dễ dàng triển khai thử nghiệm và ứng dụng sản phẩm. Các tổ chức, cá nhân nhận thức sản phẩm khoa học là lợi ích của đất nước chứ không của riêng ai. Chỉ có như vậy, chúng ta sẽ có nhiều sản phẩm được ứng dụng”, anh Phong nhấn mạnh. “Người làm nghiên cứu cần sáng tạo, đam mê, chịu khó, ham học hỏi. Tôi đã từng tham gia nghiên cứu từ lúc là sinh viên năm thứ 2 và luôn động viên học trò như vậy”, anh Phong chia sẻ.

Còn anh Lê Văn Sang, quản lý đội tàu đánh bắt, hậu cần hùng hậu tại Đà Nẵng, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu vỏ thép Sang Fish, cũng cho rằng, dù làm nghề gì cũng phải nhanh nhạy, hướng đến cộng đồng mới thành công được. Trước câu hỏi của một độc giả cho rằng, với một ngư dân trẻ như anh chỉ sau vài năm đi biển đã quyết định đóng tàu dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất miền Trung với số vốn lên đến vài tỷ đồng có phải là quá táo bạo, anh Sang nói: “Nếu không có người mạnh dạn thay đổi tư duy tàu vỏ thép thì không lẽ mình cứ khai thác bằng tàu vỏ gỗ?”. “Hiện nhu cầu tàu hậu cần rất lớn nhưng thực tế nguồn cung chưa đáp ứng bao nhiêu. Trong năm nay, mình sẽ tiếp tục đóng mới một số tàu vỏ thép khác”, anh Sang nói.