Tiền phong xin giới thiệu cùng bạn đọc.
>> Người khai sáng và tạo dựng sự nghiệp kỳ vĩ
Mấy trang đầu hồi ký của ông Hà Ngọc Quế đăng trang trọng tiêu đề Ghi lại lời lãnh tụ tối cao huấn thị cho học sinh Trường Đảng Trung ương Trần Phú.
Đợt du học ấy rất đông, tới 300 – 400, có anh em nói có thể tới 500 người – bí mật mà. Đi học nhiều ngành nghề. Phải quân sự hóa biên chế, chia ra nhiều đoàn. Xuất quân từ xã Quảng Nạp (Định Hóa, Thái Nguyên) ngày 11/6/1950.
Qua Bắc Kạn, tới Cao Bằng còn tránh nhiều đồn bốt giặc Pháp. Hành quân phải ngụy trang, vượt núi, băng rừng, lội suối tránh đường lớn, đi đêm... Mãi gần 3 tuần, sáng 29/6 mới tới đồn biên giới Pò Phieo qua cột mốc xi măng đề chữ Frontière Sino – TonKinoise bên kia là Tĩnh Tây thuộc Quảng Tây.
Được biết, trong đợt xuất dương đại trà đầu tiên năm 1950 ấy còn các đoàn đi một số nước Đông Âu: Cộng hòa Dân chủ Đức, Tiệp Khắc, Hungari... 41 vị du học ngoại ngữ – tất cả “đầu vào” đều được các địa phương chọn cử là đảng viên, cấp ủy, học lực và phẩm chất tốt.
Xin nêu một số nhân vật từng vang danh trong các lĩnh vực hoạt động: Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm, từng làm lớp trưởng.
Bộ trưởng Đậu Ngọc Xuân từng là thư ký riêng của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn... Hàm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền thì nhiều: Hoàng Mạnh Tú, Nguyễn Tiến Thông, Tạ Hữu Canh, Nguyễn Văn Quang...
Đặc biệt, không thể không nói đến lịch sử đương đại của nước nhà một thời quan hệ với tiếng Nga mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi là tiếng nói của Lê-nin.
Nhiều thế hệ ông – cha – con – cháu – chắt... kế nghiệp làm phương tiện công tác hoặc một nghề trong ngành Nga ngữ học Việt Nam, mà tên tuổi của nhiều người được in trên bìa các sách giáo khoa, tham khảo, từ điển...: Trần Thống, Vân Lăng, Vũ Năng Ất, Dương Văn Thành...
Rồi “nghề tay trái”: Các dịch giả văn, thơ nổi danh: Hà Ngọc Quế, Vũ Toàn, Nguyễn Đình Khôi... đã và sẽ còn đem đến cho đông đảo người đọc trẻ nước ta – các thế hệ – những áng văn thơ tuyệt tác của nước Nga và thế giới.
Nhật ký ghi: Ngày 8/5/1950, sáng, Tổng Bí thư Trường Chinh nói chuyện. Chiều, 17giờ, Hồ Chủ tịch huấn thị... Người nói:
Cái tên “du học sinh” từ trước đến nay không tốt đẹp gì đâu. Con quan, con nhà giàu đi học để về đè đầu dân.
Ngày nay các chú sắp ra nước ngoài là để học tập những cái gì trong nước chưa đủ phương tiện dạy dỗ, các đồng chí nước ngoài sẽ giúp đỡ, huấn luyện cho để trở về phụng sự đoàn thể, phụng sự dân tộc, phụng sự cách mạng. Như thế các chú không phải đi du học để về làm quan.
Vậy, trong lúc đi học phải nghĩ thế nào, làm thế nào cho đúng?
1. Phải luôn nhớ rằng trong lúc mình đi học để sau thành nghề thì bao nhiêu bạn cùng tuổi trong nước còn phải lặn lội chiến đấu với quân thù. Như vậy thì đừng quá hớn hở về việc mình được đi học, đừng lấy đó làm điều hãnh diện.
Phải coi thời gian này là một thời gian đoàn thể tạm cho mình được miễn công tác để đi học. Mà đi học là để về phụng sự cách mạng. Vậy việc gì có ích cho cách mạng là học: thợ rèn, thợ nguội, ngoại giao, ngoại ngữ, không có việc gì là sang, việc gì là hèn cả. Học không phải để về làm quan. Phải luôn nhớ điều đó.
2. Phải đoàn kết với nhau và đoàn kết với các đồng chí nước ngoài. Muốn đoàn kết thì phải khuyên răn, phê bình, sửa chữa cho nhau. Trong mười người, nếu có một người làm bậy thì cả mười người cũng bị xấu, “một người làm xấu cả bầu mang dơ”.
Đại diện phụ nữ trong đoàn cố vấn Trung Quốc đến chúc tết Bác Hồ tại chiến khu Việt Bắc, Tết Nguyên đán 1953 (Ảnh do Thành Lợi sưu tầm tại Bắc Kinh)
Tuy là đối với đồng chí, đối với dân tộc bạn nhưng cũng phải giữ quốc thể. Chú nào không chịu sửa chữa thì phải loại ra, ở nhà không loại, thì ra ngoài cũng bị loại. Anh em ở ngoài muốn thành công trong việc giáo dục, thì tất nhiên phải nghiêm khắc như thế! Người ta không nể những con chiên ghẻ, vì người ta nể dân tộc Việt Nam, nể đoàn thể.
3. Phải tuyệt đối phục tùng các đồng chí phụ trách, tuyệt đối phục tùng đoàn thể ở nước ngoài, vì cách mạng thế giới chỉ có một đảng tiền phong thôi. Việc của đảng nước này, đảng nước kia chỉ là sự phân công trong đảng tiền phong duy nhất ấy, để lãnh đạo cách mạng.
Nói tóm lại:
- Phải sửa chữa tư tưởng, tẩy sạch óc “học để làm quan”;
- Phải cố gắng học tập sao cho xứng đáng với những người chiến đấu ở nhà;
- Phải đoàn kết với nhau, phải giữ quốc thể;
- Phải phục tùng các đồng chí phụ trách, phục tùng đoàn thể ở nước ngoài.
Nguyên đại sứ nước ta tại nhiều nước, ông Nguyễn Tiến Thông trong hồi ký cho biết, lời dạy của Bác ngày đó đến nay vẫn còn giá trị thời sự rất lớn. Ông cho biết được nghe chuyện mỗi lần Bác ký duyệt đề bạt cấp thứ – bộ trưởng trở lên, Người thường nói đại ý: Phải làm cái việc vừa mừng, vừa lo. Mừng là cán bộ trưởng thành, lo là sợ rồi các vị ấy lại làm “quan cách mạng”.
Họa lớn cho dân, cho nước, cho Đảng là thứ quan này lợi dụng danh nghĩa cách mạng yêu dân vì dân để mưu đồ đục khoét của dân, tham nhũng, hách dịch, coi thường dân...
Đúng là lời dạy của Bác hiện đang là vấn đề thời sự nóng hổi về “quan chủ” thay cho “dân chủ” trong cán bộ, công chức, cả công an, thầy giáo, thầy thuốc... Một vấn nạn cần đấu tranh trong cuộc vận động lớn hiện nay do Bộ Chính trị Đảng ta chủ trương “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.